Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điểm trung bình IELTS của người Việt xếp hạng bao nhiêu?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Theo dữ liệu về bài thi IELTS toàn cầu năm 2023-2024, điểm trung bình IELTS của người Việt là 6.2/9.0 đối với bài thi Academic (học thuật), xếp thứ 29/39.

Điểm trung bình IELTS của người Việt tụt hạng

Dữ liệu về bài thi IELTS toàn cầu năm 2023-2024 được tổng hợp vào cuối tháng 9, công bố trên trang chủ IELTS.

Báo VnExpress dẫn số liệu thống kê cho hay, 79% thí sinh làm bài thi Academic (học thuật), dành cho mục đích học đại học và sau đại học. Còn lại là bài thi General Training (tổng quát) dành cho người muốn học nghề và định cư.

Điểm trung bình của các thí sinh nữ là 6.23, nam là 6.18, giảm chừng 0.4-0.5 so với thống kê lần trước (năm 2022).

Xét riêng bài thi IELTS học thuật, điểm thi trung bình của người Việt là 6.2, xếp thứ 29 trên tổng số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, thấp hơn xếp hạng năm 2022 (23/40).

Điểm trung bình IELTS của người Việt tụt hạng so với năm trước. Ảnh minh họa 

Ở từng kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói, điểm của thí sinh Việt lần lượt là 6.3, 6.4, 6.0, 5.7. Trong đó, điểm Nghe và Nói thấp hơn mức trung bình (6.6 và 6.3). Hai kỹ năng còn lại bằng trung bình chung.

6.0 vẫn là mức điểm phổ biến nhất tại Việt Nam (chiếm 21%), tiếp đến là mốc điểm 5.5 và 6.5 (cùng chiếm 18%). Chỉ 5% bài thi đạt từ 8.0 trở lên.

Trong danh sách, Malaysia và Tây Ban Nha cùng dẫn đầu về điểm thi IELTS trung bình của thí sinh - 7.1.

Riêng Malaysia là quốc gia có tỷ lệ bài thi đạt 8.0 trở lên cao nhất (25%), trong số bảy nước Đông Nam Á được thống kê.

Biến chuyển tích cực trong giảng dạy tiếng Anh

Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?” tổ chức mới đây, TS Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest đã có những chia sẻ đáng chú ý về thực trạng và giải pháp thúc đẩy việc phổ cập tiếng Anh trong trường học.

Cụ thể, báo Lao động dẫn lời ông Minh cho biết, trình độ tiếng Anh của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Điểm IELTS 5.5 - 6.5 trước đây được xem là rất giỏi, thì nay đã trở nên phổ biến.

Thậm chí, số lượng học sinh đạt IELTS 9.0 cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhận định, trình độ tiếng Anh của học sinh, xã hội và giáo viên trong mặt bằng Việt Nam tăng đáng kể nhưng so với thế giới vẫn còn khiêm tốn.

TS Đàm Quang Minh cũng chỉ ra rằng, phụ huynh Việt Nam rất chịu khó đầu tư cho giáo dục, đặc biệt môn Tiếng Anh, đây là một trong những điểm mạnh của giáo dục tiếng Anh của nước ta. Chính vì vậy, công tác giáo dục, chỉ số giáo dục của Việt Nam cao hơn hẳn các quốc gia khác trong cùng mức độ kinh tế bởi có sự đóng góp to lớn của các bậc phụ huynh hiện nay.

Phụ huynh Việt Nam rất chịu khó đầu tư cho giáo dục, đặc biệt môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa 

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh những chuyển biến tích cực trong giảng dạy tiếng Anh 10 năm trở lại đây, đặc biệt là sự ra đời của nhiều khung pháp lý, chương trình đào tạo bài bản và các hoạt động tập huấn giáo viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chỉ ra những hạn chế trong chất lượng dạy và học tiếng Anh ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục. Bà cũng nhấn mạnh bài toán thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Tin nổi bật