Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điểm lại 5 vụ bạo lực học đường năm 2023: Trường hợp cuối cùng khiến nhiều người phải suy nghĩ

  • Thục Hiền
(DS&PL) -

Năm 2023, nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nữ sinh lớp 9 bị lột đồ, đánh hội đồng trong rừng ở Nghệ An

Ngày 5/10/2023, Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn đang củng cố hồ sơ, xử lý những nữ sinh liên quan đến vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng, lột đồ ở rừng keo.

Nữ sinh bị đánh hội đồng là P.A. (nữ sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Hình ảnh nữ sinh P.A bị đánh, lột đồ khiến dư luận bức xúc. Ảnh: VietNamNet

Một vị hiệu trưởng có học sinh tham gia vụ đánh nhau co biết, sau khi cơ quan lấy lời khai xong, các em đã quay trở lại trường học bình thường. Hiện nhà trường đang chờ kết luận từ cơ quan công an để đưa ra hình thức kỷ luật.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, nhà trường đã yêu cầu các học sinh liên quan tường trình lại vụ việc và nguyên nhân.

5 nữ sinh trong vụ việc đến từ 4 Trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Chương, trong đó có 2 nữ sinh lớp 8 và 3 nữ sinh lớp 9. Theo tường trình của các em, mâu thuẫn xuất phát từ việc ghen tuông chuyện yêu đương.

Báo Nghệ An cho hay, cho rằng nữ sinh đang học lớp 9 Trường THCS Thanh Mỹ có nhắn tin qua lại với bạn trai của mình, nữ sinh lớp 8 Trường THCS Phong Thịnh đã rủ thêm 3 bạn khác, gồm 1 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Cát Văn, 2 nữ sinh lớp 8 và lớp 9 Trường THCS Thanh Tiên đi "dằn mặt". Nhóm này vượt hơn 10km, đến tận nhà nạn nhân ở xã Thanh Mỹ rủ "đi uống nước nói chuyện".

Tuy nhiên, sau khi nạn nhân lên xe, cả nhóm đã chở đến đoạn đường vắng trên địa bàn xã Thanh Đức để hành hung, lột đồ. Bấp chấp nạn nhân bị đánh liên tục khóc lóc, cầu xin, nhưng nhóm này vẫn đánh và còn quay lại cả clip.

Sau đó đoạn clip ghi lại sự việc đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận xôn xao.

Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Nho (bà ngoại nữ sinh P.A) cho biết: "Tôi không dám xem hết clip, chỉ xem một đoạn thôi mà lòng đau quặn thắt. Nhìn cháu bị đánh đập, tra khảo rồi lột đồ quay clip, tôi lại không cầm được nước mắt"

Cũng theo bà Nho, bé P.A. vốn thiệt thòi từ nhỏ khi bố mắc bệnh tim, gần như không làm được việc gì. Mẹ của cháu cũng là người chậm chạp và yếu ớt nên sau khi sinh con, người phụ nữ này phải nhờ mẹ đẻ nuôi dưỡng con. Cả P.A. và người em trai của mình đều lớn lên trong vòng tay bà ngoại.

Theo bà Nho, khoảng 15h ngày 27/9/2023, bà đang bán hàng ở trước nhà thì 4 nữ sinh đến hỏi: "P.A. có nhà không bà. Chúng cháu mang sách vở đến cho bạn".

Nghĩ là bạn học cùng lớp, bà Nho không may may nghi ngờ nên gọi P.A. ra gặp bạn. Mải bán hàng nên bà Nho không biết, cháu mình đã bị nhóm bạn trên chở đi lúc nào. Khoảng 2 tiếng sau, khi P.A. trở về nhà, bà Nho thấy cháu vào phòng đóng cửa nhưng cũng không hề biết chuyện cháu vừa bị bạn đánh.

Đến trưa ngày hôm sau,sau khi được mọi người cho xem clip bà vừa phẫn nộ vừa đau lòng khi chứng kiến đứa cháu gái của mình bị đánh, phải quỳ gối van xin nhưng vẫn không được tha. Cháu còn bị lột áo quay clip và dọa không được mách với ai.

Bà Nho càng bất ngờ hơn khi địa điểm cháu P.A. bị đánh là khu đồi keo hoang vắng, thuộc xã Thanh Đức – cách nhà bà chừng 10km. Ở nơi không có người qua lại, cháu P.A. gần như mặc nhóm bạn đánh đập và làm nhục mà không hề có chút phản kháng nào.

Bị 30 bạn đánh, nam sinh Quảng Bình lỡ kỳ thi lớp 10

Ngày 3/6/2023, trong tiệc chia tay học sinh lớp 9, em T.V.V. (SN 2008) học sinh lớp 9C, trường THCS Hưng Thủy (Quảng Bình) đã bị một nhóm bạn khối 9 đưa ra sau khu vực nhà vệ sinh hành hung hội đồng. Sau đó em V. bị nhiều bạn lao vào đánh đến thương tích. Phải nhập viện trong trạng thái chấn thương và hoảng loạn tinh thần, V. bỏ lỡ kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào ngày 7/6/2023.

Em T.V.V. đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Lao Động

Cuối tháng 9/2023, Công an huyện Lệ Thủy đã có thông báo kết luận giám định tâm thần đối với nam sinh T.V.V. Theo đó, tỉ lệ tổn thương cơ thể xác định theo thông tư của Bộ Y tế là 23% và sau hơn một tháng điều trị, tỉ lệ này giảm xuống 21%.

Cơ quan CSĐT xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời kết thúc điều tra và không khởi tố vụ án hình sự. Gia đình V. cũng đã làm đơn gửi các cơ quan liên quan bày tỏ nguyện vọng tạo điều kiện xem xét đặc cách, hoặc tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, do nam sinh V. không thuộc diện đặc cách nên phải chờ kỳ thi năm tới.

Nam sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội

Vào chiều 15/10/2023, trên mạng xã hội lan truyền clip nam sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip. Được biết, nam sinh này đã bị bạn đánh tập thể nhiều lần trong nhiều tháng. Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra tại trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhóm học sinh đều đang học lớp 7.

Sau khi sự việc được phát hiện, nam sinh đã được gia đình đưa đến điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần). Bệnh nhân thường hoảng loạn, có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ cả họ tên và địa chỉ của mình ở đâu. Đại diện gia đình, mẹ nam sinh xót xa cho biết gia đình xác định con bị tâm thần vĩnh viễn, không thể khỏi bệnh được nữa.

Đến ngày 24/11/2023, nam sinh K. đã đi học trở lại.

Nam sinh lớp 8 bị bạn tác động vào vùng kín ở Ứng Hoà, Hà Nội

Ngày 28/11/2023, mạng xã hội chia sẻ clip một nam sinh lớp 8 bị bạn bạo hành vào vùng kín ở Ứng Hòa, Hà Nội. Mặc dù clip chỉ quay lại khoảng 16 giây nhưng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bức xúc trước hành vi xâm phạm thân thể không thể chấp nhận được của nhóm học sinh. 

Theo nội dung chia sẻ, có 5 học sinh túm tay chân nam sinh "đóng" vào cột cờ. Mặc cho nam sinh này gồng người, nhăn nhó và la lên nhưng nhóm bạn liên tục có hành động bạo hành vào vùng kín. 

Nam sinh bị nhóm bạn giữ 2 tay, giữ 2 chân và kéo mạnh về phía cột cờ. Ảnh: Công Luận 

Điều đáng nói, thay vì can ngăn hành vi bạo lực học đường này, một số nam sinh khác lại đứng reo hò, cổ vũ. Có nam sinh khác đứng quay lại clip. Được biết, vụ việc xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nam sinh bị bạo hành trong clip đang là học sinh lớp 8 của trường.

Chiều 28/11/2023, thầy Đoàn Vũ Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam và xác nhận clip lan truyền trên mạng xã hội "nam sinh lớp 8 bị bạn bạo hành vào vùng kín ở Ứng Hoà, Hà Nội" xảy ra tại trường. 

"Vụ việc xảy ra vào ngày 8/11. Nhà trường nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên đã báo công an điều tra làm rõ", thầy Hải cho hay.

Cũng theo chia sẻ của thầy Hải, vụ việc xảy ra khá lâu nhưng mãi đến ngày 24/11/2023 nhà trường mới nhận được clip. Sau đó, ban giám hiệu trường đã cho xử lý luôn vụ việc. 

Nói về lý do vụ việc xảy ra tại trường nhưng vì sao giáo viên không biết để can thiệp, thầy Hải nói: "Không phải các em mâu thuẫn với nhau mà nguyên nhân ban đầu được cho là các em đùa nghịch ở sân trường. Em học sinh bị bạn bạo hành cũng đã được đi khám và không có thương tích".

Thầy Hải cho biết, ngày 27/11/2023, trong lễ chào cờ đầu tuần, nhà trường đã công bố biện pháp kỷ luật đình chỉ học 1-2 tuần với 5 học sinh trực tiếp tác động bạn và 1 học sinh quay clip. Quyết định này của trường dựa theo điều 38, thông tư 32 của Bộ GDĐT về hành vi xâm phạm thân thể bạn.

Cô giáo bị học sinh lăng mạ, ném dép vào đầu

Ngày 4/12/2023, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh cấp 2 ở Tuyên Quang dồn cô giáo vào góc tường, buông lời xúc phạm. Ở một đoạn clip khác, nữ giáo viên tiếp tục bị tấn công, thậm chí khóa cửa không cho ra ngoài. Nhiều em còn ngang nhiên ném giấy, rác vào cô giáo.

Đỉnh điểm, một chiếc dép không rõ của học sinh nào ném trúng trán khiến nữ giáo viên choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu. Đoạn clip sau đó được xác định ghi lại tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Cảnh nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) ném giấy rác, dép vào đầu cô giáo gây ngất xỉu. Ảnh: Tiền Phong

Không lâu sau đó, cộng đồng mạng lại truyền tay nhau thêm một đoạn clip cảnh học sinh trêu đùa bỡn cợt cô giáo trong lớp học. Vì không giữ được bình tĩnh nên cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh trước tiếng reo hò đầy phản cảm của đám đông xung quanh. 

Sự việc nhận được sự quan tâm của nhiều người. Sau đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn chỉ đạo vụ việc trên. Hiện, vụ việc vẫn chưa có kết luận xác minh cuối cùng, làm rõ những sai phạm của hai bên từ chính quyền địa phương.

Giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực trong trường học

Ngày 7/11/2023, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc.

Các vụ bạo lực học đường có sự giảm về độ tuổi và sự tăng về số học sinh nữ tham gia. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, hiệu trưởng và giáo viên các trường học còn thiếu kỹ năng xử lý bạo lực học đường.

Phân tích về căn nguyên bạo lực học đường gia tăng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ xung đột và bạo lực trong gia đình. 

Ông Nguyễn Kim Sơn dẫn chứng con số 220.000 vụ ly hôn mỗi năm, trong đó 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Một tỷ lệ lớn học sinh là nạn nhân bạo lực gia đình tiếp tục là nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực học đường.

Do đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình có vai trò rất quan trọng để đẩy lùi bạo lực học đường.

Cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực trong trường học:

Một là cung cấp cho học sinh các kỹ năng xử lý những vấn đề có nguy cơ phát sinh bạo lực học đường.

Hai là tập huấn cho giáo viên kỹ năng xử lý các vấn đề xảy ra giữa học sinh.

Bà là bổ sung vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường cho các trường học. 

Bốn là thúc đẩy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng giải quyết vấn đề này là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam, bởi đây mới là gốc rễ của việc xử lý vấn đề bạo lực học đường.

Thục Hiền (T/h)

Tin nổi bật