Hơn 600 người đã chết khi đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Philippines, nhưng chính quyền nước này vẫn cấm sử dụng vắc xin để tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp toàn thể của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Nguy cơ Thảm họa Quốc gia Philippines (NDRRMC), trong bối cảnh thống kê cho thấy từ tháng 1 đến ngày 20/7 năm nay, tại Philippines đã có tới 146.062 trường hợp bị sốt xuất huyết, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 622 người đã tử vong.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: TTXVN |
Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines, các khu vực có số ca nhiễm bệnh cao nhất là Calabarzon với 16.515 trường hợp, Zamboanga Peninsula 12.317 trường hợp, Bắc Mindanao 11.455 trường hợp và Soccsksargen 11.083 trường hợp.
Đáng chú ý, trong số 17 khu vực trên toàn Philippines có 7 khu vực đã ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng mạnh tuần thứ 3 liên tiếp. Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 14 - 20/7), số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc là 10.502 trường hợp, tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tuyên bố dịch bệnh có nghĩa là chính quyền địa phương có thể rút tiền từ các quỹ trung ương khẩn cấp để đối phó dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết đang tập trung tìm kiếm và phá hủy các địa điểm sinh sản của muỗi, cách thức chính để ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan. Các cơ quan chính phủ khác, các đơn vị chính quyền địa phương, trường học, văn phòng và cộng đồng sẽ tham gia vào nỗ lực này.
Tuy vậy, hôm 6/8, chính phủ ở Manila vẫn quyết định giữ nguyên lệnh cấm bán, nhập khẩu và phân phối vắc-xin Dengvaxia. Chính phủ đưa ra lệnh cấm vào tháng 2 sau khi ghi nhận hàng chục trẻ em nước này tử vong trong số hơn 700.000 trường hợp tiêm vaccine này trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2017.
Theo ông Duque, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo không nên sử dụng loại vaccine trên để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh và loại vaccine này cũng có giá khá cao, khoảng 20 USD một liều.
Năm 2016, Philippines là nước đầu tiên sử dụng vaccine Dengvaxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên một năm sau đó, tranh cãi đã nổ ra khi hãng dược phẩm của Pháp Sanofi tiết lộ vaccine này có thể gây ra những triệu chứng xấu hơn đối với những người trước đó chưa bị nhiễm virus sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết chính phủ đang nghiên cứu đơn kháng cáo cho phép công ty dược phẩm Sanofi của Pháp đưa vắc-xin trở lại thị trường Philippines, nhưng loại trừ việc sử dụng thuốc để chống lại dịch bệnh đang tấn công mạnh vào trẻ nhỏ.
Minh Khôi (T/h)