Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dịch sởi, nhiều phụ huynh cực đoan... "nhốt" con trong nhà

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Quá lo lắng, nhiều phụ huynh đã cho con nghỉ học, không cho ra ngoài, hy vọng để cách ly với dịch sởi đang hoành hành.

(ĐSPL) - Mặc dù bộ Y tế đã trấn an người dân rằng dịch sởi đã được kiểm soát ở nhiều địa phương nhưng những người tận mắt sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên vẫn rất  lo sợ. Quá lo lắng, nhiều phụ huynh đã cho con nghỉ học, không cho ra ngoài, hy vọng để cách ly với dịch sởi đang hoành hành.
Tìm mọi cách "chống" sởi cho con
Cập nhật thông tin trên mạng, tìm mọi cách phòng sởi cho con, đó làm tâm lý của những bậc làm cha, mẹ hiện nay. Rất nhiều người xác định việc bảo vệ con mình khỏi bệnh sởi phải được ưu tiên hàng đầu.
Tại các tỉnh, thành phố lớn, nhiều bậc phụ huynh chen chân đưa con đi tiêm phòng sởi. Những bà mẹ chưa cho con đi tiêm phòng vội vã đưa con đi tiêm, nhiều người con vừa tiêm sởi mũi thứ nhất đã đưa con đi tiêm mũi nhắc lại dù chưa đến lịch. Các địa điểm tiêm phòng luôn trong tình trạng xếp hàng dài. Vì thế, nhân viên y tế đã phải kéo dài thời gian tiêm chủng đến 18h.
Trước dịch sởi, nhiều phụ huynh cực đoan... "nhốt" con trong nhà.
Trên một số diễn đàn, các bà mẹ trao đổi với nhau về dịch sởi, tìm đến đủ các loại thực phẩm chức năng để tăng sự miễn dịch cho con trẻ tránh đau ốm trong thời điểm này. Nhiều bà mẹ quá lo sợ và hoang mang không biết còn cách nào giữ an toàn cho con ngoài việc không cho đi học.
Chị Lê Thanh Hương (Tây Hồ- Hà Nội) cho biết: "Tôi có hai cháu nhỏ đều phải cho nghỉ học ở nhà vì sợ lây sởi. Bản thân tôi lo ngại, sởi lây qua đường hô hấp, cho các cháu đến chỗ đông người rất sợ lây bệnh. Lớp học mầm non của cháu cũng có hơn một nửa học sinh nghỉ học rồi".
Tìm đọc thông tin trên các báo thấy số trẻ tử vong do biến chứng bệnh sởi tăng. Dịch sởi năm nay được công bố độc tính mạnh khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Nguyễn An chia sẻ: "Con nhỏ 9 tháng tuổi nhà tôi yếu lắm, tháng nào cũng đến "thăm" bác sỹ đôi lần. Cháu bị viêm tai giữa nên phải vào khoa điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương nhiều rồi. Bây giờ có dịch sởi, khi con bị ốm tôi cũng không dám đưa cháu đến bệnh viện sợ bị lây chéo".
Cực đoan hơn, chị Trần Mỹ Linh (Nguyễn Trãi- Thanh Xuân- Hà Nội) đã quyết định "giam" cậu con trai 3 tuổi đang theo học mẫu giáo ở nhà, không đi chơi, cũng không đi học. "Con tôi thể trạng yếu, rất hay ốm, hầu như có dịch bệnh nào từ sốt virus tới thủy đậu hay tay chân miệng đều bị. Thế nên bây giờ để con không dính vào dịch sởi, tôi chỉ còn cách "bế quan tỏa cảng" cho an toàn để giữ gìn cho cháu".
Thực tế, tại nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội, phụ huynh đã đóng tiền mua nước rửa tay sát trùng. Khi phụ huynh đưa trẻ đến lớp, các cô cũng yêu cầu học sinh rửa tay trước khi vào học. Trường lớp cũng được vệ sinh, mở cửa lưu thông không khí vậy nhưng số lượng học sinh xin nghỉ vẫn tăng. Trái lại, ở những trường mầm non tư thục, lớp học chật chội, số cháu đi học vẫn tương đối đầy đủ. Cô Khánh Chi, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Khánh Chi (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết: "Đa số các cháu đến trường tư thục là những hộ dân không có hộ khẩu thường trú tại phường, phụ huynh chủ yếu là người lao động, thuê nhà nên không thể cho con nghỉ ở nhà".
Nhân viên ngành y tế, người dân gồng mình chống dịch sởi.
Nhiều phụ huynh giữ con một cách... phản khoa học
Theo con số thống kê của sở Y tế Hà Nội, hiện nay thành phố có khoảng 70-100 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi có khả năng mắc sởi vì chưa tiêm phòng. Trong khi đó với trẻ đã tiêm vaccine cũng có tỷ lệ mắc sởi là 5\%.
Đại diện sở Y tế Hà Nội cho biết: "Với thời tiết như hiện nay, khả năng phát triển của virus và lây lan dịch sởi vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao. Ngoài ra, vào giai đoạn cuối mùa, số lượng người mắc sởi sẽ giảm nhưng số ca nặng do biến chứng từ sởi sẽ tăng lên. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị chu đáo cho Khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện để kịp thời ứng phó với những trường hợp sởi biến chứng ở mức độ nặng có khả năng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ".
Bác sỹ Lương Thị San (bệnh viện Nhi Trung ương) cũng khuyến cáo: "Hiện nay nhiều phụ huynh vì quá lo lắng mà cho con ở luôn trong nhà là không nên, nhất là những gia đình không có không gian thoáng  cho trẻ hít thở không khí trong lành. Trẻ vẫn phải được đưa ra bầu không khí, được vận động vui chơi, nếu "nhốt" trẻ trong nhà chung cư với bốn bức tường sẽ làm suy yếu hệ hô hấp của trẻ. Không khí không lưu thông sẽ khiến trẻ mắc nhiều bệnh về đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa".
Sự bùng phát của dịch sởi khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng đưa con đi tiêm phòng. ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội  cho biết: "Trung tâm đã hết loại vaccine phòng bệnh sởi - quai bị - rubella. Nếu vị phụ huynh nào muốn tiêm phòng loại vaccine này cho con thì phải đợi một vài tuần nữa".
Theo ông Cảm, do tâm lý người dân thường thích tiêm loại vaccine dịch vụ hơn, nên mới dẫn đến tình trạng hết loại vaccine này. Trong tình trạng cấp bách hiện nay, thì việc tiêm phòng bệnh sởi là cần thiết và loại vaccine đơn được tiêm miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có thể đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh sởi cho trẻ.
Trẻ em từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi, nguy cơ mắc bệnh sởi và xảy ra biến chứng là cao nhất, cần phải được đi tiêm chủng.
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng khuyến cáo đối với các đối tượng trẻ em từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi, nguy cơ mắc bệnh sởi và xảy ra biến chứng là cao nhất, cần phải được đi tiêm chủng trong đợt này. Nếu tiêm chưa đủ hai mũi sởi thì dù chưa đến thời gian tiêm nhắc lại mũi thứ hai vẫn phải đi tiêm. Đối với những trường hợp đã mắc bệnh sởi rồi hoặc đã mang mầm bệnh sởi trong người thì việc tiêm phòng sẽ không còn hiệu quả.
Hơn nữa, việc tiêm phòng sởi cũng chỉ tạo được kháng thể sau hai tuần. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng mà ùn ùn kéo đi tiêm phòng từ người lớn cho đến trẻ con. Theo các bác sỹ, thời điểm này, để phòng tránh sởi, tốt nhất là phải giữ gìn vệ sinh nhà cửa thoáng mát, rửa tay thường xuyên và khi mắc bệnh sởi cần cách ly ít nhất bốn ngày để tránh lây lan cho người khác.
Virus sởi biến thể cực độc
Không chỉ trẻ em mắc bệnh sởi mà các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca người lớn mắc sởi. PGS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phát biểu trong Hội nghị tập huấn tăng cường công tác điều trị bệnh sởi ngày 22/4 cho biết: "Trong 160 ca bệnh điều trị tại khoa, có 8 ca tử vong, đặc biệt có 3 ca sởi có diễn biến rất nhanh, chỉ trong một ngày bệnh nhân đã bị suy hô hấp nặng và 1 bệnh nhi đã tử vong. Qua xét nghiệm, các bác sỹ chỉ tìm thấy virus sởi, không có tác nhân khác gây suy hô hấp.
Như vậy, virus đã tấn công trực tiếp vào phổi. Có bệnh nhi khi nhập viện sức khỏe bình thường, cháu vẫn chơi đùa, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bệnh nhi có dấu hiệu thở gấp, khó thở và phải hỗ trợ máy thở ngay.
Có trường hợp, sau thời gian điều trị, diễn biến sức khỏe hồi phục, được "cai" thở máy, nhưng sau đó lại diễn biến xấu, phải thở lại máy, nhưng vẫn không cứu được. Trên nhiều bệnh viện của cả nước, diễn biến dịch sởi đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nguy hiểm”.

Tin nổi bật