Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dịch cúm gia tăng, bộ Y tế yêu cầu nhập khẩu khẩn thuốc Tamiflu

(DS&PL) -

Cục Quản lý Dược, bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2, đơn vị cung cấp thuốc cho nhiều bệnh viện, nhập khẩu Tamiflu điều trị cúm.

Cục Quản lý Dược, bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2, đơn vị cung cấp thuốc cho nhiều bệnh viện, nhập khẩu Tamiflu điều trị cúm.

Thuốc Tamiflu dùng điều trị bệnh cúm ở người lớn và trẻ em - Ảnh: Minh họa

Trước báo cáo của sở Y tế TP.HCM về việc bệnh viện Nhiệt đới không còn thuốc Tamiflu 75mg (thuốc chứa hoạt chất oseltamivir) điều trị cúm cho bệnh nhân do phía Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện. Tương tự, bệnh viện Nhi Trung Ương cũng có báo cáo Cục Quản lý dược về việc công ty cung cấp đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg và đề nghị cho vay thuốc Tamiflu 75mg từ nguồn phòng chống dịch.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm thuốc, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu phía Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (là đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược yêu cầu bở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, Viện chủ động lập dự trù, thực hiện mua sắm, đảm bảo đủ thuốc; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc…

Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh, thì cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Mặt khác, Cục y tế Dự phòng cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thuốc chứa nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.

Để phòng lây nhiễm, trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang - Ảnh: Hải Quan

Về dịch cúm, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Tại Việt Nam, năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018.

Cụ thể, 11 tháng năm 2019 cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018).

Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.

Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B.

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật