Theo thông tin trên ET Today, anh Saya Hazrul - người sở hữu tài khoản TikTok @hazrulhaliliceokaw mới đây đăng tải đoạn video ghi lại cảnh đi dạo tại một khu chợ đêm của Malaysia.
Trong lúc đó, người đàn ông phát hiện một cô gái dù đang đi cùng bạn trai nhưng liên tục ngó nghiêng, giao tiếp bằng mắt với người qua đường. Ngoài ra, cô gái còn giấu bàn tay của mình sau lưng, thỉnh thoảng lại xòe bàn tay thành ký hiệu số 540.
Cảm thấy có điều bất thường, anh Hazrul nhanh chóng tìm hiểu và tá hỏa nhận ra đó là một kiểu kêu cứu đặc biệt. Anh lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bán hàng và nhân viên chợ đêm, đồng thời báo cảnh sát để giải cứu cô gái.
Lúc này, bạn trai của cô gái có vẻ đã phát hiện có điều không ổn, liên tục muốn rời khỏi hiện trường nhưng bị một nhóm nhân viên kiếm cớ giữ lại. Sau đó, khi thấy cảnh sát đến, anh ta chống cự quyết liệt nhưng cuối cùng vẫn bị bắt đi.
Cô gái ra cầu cứu người xung quanh bằng các động tác tay. Ảnh: ET Today
Trò chuyện với cô gái, anh Hazrul được biết rằng cô đã bị bạn trai nghiện ma túy bạo hành nghiêm trọng trong một thời gian dài. Những vết bầm tím, sẹo bỏng trên cơ thể khiến cô luôn phải mặc quần áo kín mít để che đi.
Người đàn ông sau đó đã đến đồn cảnh sát để lấy lời khai nhân chứng. Cha của cô gái cũng chủ động liên lạc với anh để bày tỏ lòng biết ơn.
Theo chia sẻ của anh Hazrul, vẫn còn nhiều người chưa biết "540" là biển hiệu cầu cứu, anh mong có thể giới thiệu động tác này qua video đăng tải và kêu gọi mọi người hãy dũng cảm giúp đỡ một tay nếu phát hiện xung quanh có ai đó ra ám hiệu tương tự.
Được biết, "Tín hiệu 540" còn được gọi là "Tín hiệu SOS" và "Tín hiệu SOS Bạo lực Gia đình" được Tổ chức Phụ nữ Canada lần đầu tiên đề xuất vào ngày 14/4/2020.
Ban đầu, động tác nói trên nhằm ứng phó với sự gia tăng các vụ bạo lực gia đình trên khắp thế giới trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19.
Sau đó, “Tín hiệu 540” đã được nhận thức rộng rãi và sử dụng thông qua các trường hợp một người cảm thấy bị đe dọa hoặc cần giúp đỡ ngay lập tức.
Trước đó, một nữ sinh 16 tuổi ở Asheville (bang Carolina, Mỹ) đã may mắn thoát khỏi đối tượng bắt cóc nhờ học được ký hiệu cầu cứu nói trên từ TikTok. Tại thời điểm được giải cứu, nữ sinh đang ở trên chiếc Toyota màu bạc do James Herbert Brick (61 tuổi, đến từ thành phố Cherokee, bang Carolina) cầm lái.
Người đàn ông này sau đó đã bị bắt giữ vì tội danh bắt cóc. Ngoài ra, cảnh sát cũng đã tìm thấy nhiều hình ảnh khiêu dâm được lưu trong điện thoại của Brick. Toàn bộ đều là do hắn ép buộc nạn nhân phải chụp.
Theo thông tin từ Cảnh sát trưởng quận Laurel, nữ sinh trước đó được gia đình thông báo mất tích. Brick bắt cóc nạn nhân tại thành phố Cherokee và dự định đem theo cô trở về bang Ohio, nơi gia đình ông ta đang sinh sống.
Nhân lúc Brick không chú ý, nữ sinh 16 tuổi đã ra dấu hiệu bằng tay, với nội dung "Bạo lực gia đình - Tôi cần giúp đỡ" để thu hút sự chú ý của những người đi đường xung quanh.
Nhận ra dấu hiệu cầu cứu, một tài xế đi phía sau xe của Brick lập tức gọi điện cho 911 để báo cáo vụ việc. Người này đồng thời cũng bám theo chiếc xe để không bị mất dấu.
"Tín hiệu 540", còn gọi "Tín hiệu SOS" và "Tín hiệu SOS Bạo lực Gia đình", được Tổ chức Phụ nữ Canada lần đầu tiên đề xuất vào ngày 14/4/2020.
Nhận được tin báo, cảnh sát nhanh chóng tìm ra và xác định được hướng đi của chiếc xe tình nghi. Họ tiến hành chặn chiếc xe lại ở lối ra cao tốc và lập tức bắt giữ Brick ngay khi tên này dừng xe. Nạn nhân cũng được giải cứu và được đưa đến trụ sở cảnh sát để lấy lời khai.
XEM THÊM: Đi đám cưới, khách mời được tặng dây chuyền vàng và đồng hồ mang về
Chia sẻ với tờ New York Times, nữ sinh cho biết em đã học cách ra dấu hiệu bằng tay để nhờ giúp đỡ thông qua những video được chia sẻ trên TikTok. Đúng như những gì đã nhìn thấy ở trên video, nạn nhân cố gắng hướng lòng bàn tay về phía trước, úp ngón tay cái vào lòng bàn tay rồi từ từ khép các ngón còn lại về phía ngón cái. Tuy nhiên, em chưa bao giờ nghĩ rằng kiến thức này có thể sẽ cứu mạng cô trong những tình huống như thế.
Các cảnh sát cho hay, nữ sinh rất may mắn khi gặp được người hiểu ý nghĩa của những ký hiệu này bởi thời điểm đó chúng vẫn chưa thực sự phổ biến. Sau vụ việc, video giới thiệu về kí hiệu này của Hiệp hội Phụ nữ Canada trên cả 2 nền tảng TikTok và Youtube nhận được hàng triệu lượt xem.
Đinh Kim (T/h)