Theo Tổ Quốc, cá cơm là loại cá nhỏ sống ở nước mặn, tại Việt Nam chúng phân bố ở hầu hết các vùng biển từ nam ra bắc. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), loại cá này rất giàu axit béo omega-3, protein, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Đặc biệt chúng cũng chứa chất béo và cholesterol tốt cho hệ tim mạch.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xếp cá cơm vào danh sách những loại cá tốt nhất vào tháng 7/2019, nên ăn 2-3 lần/tuần vì chúng cực kỳ ngon và sạch. Bên cạnh đó, cá cơm chỉ được đánh bắt tự nhiên và không thể nuôi nhốt, vòng đời cũng ngắn nên chứa ít độc tố hơn so với các loại cá khác.
Cá mòi có bề ngoài màu trắng bạc, mình nhiều thịt, xương nhỏ nhưng lại nhiều xương dăm nên ít ai thích ăn. Tuy nhiên đây lại là loại cá chứa nhiều canxi hơn sữa: 85g cá mòi chứa 325mg canxi trong khi 85g sữa chỉ chứa 276mg canxi. Ăn 10g cá mòi mỗi ngày là đủ cung cấp 20% lượng chất béo cần thiết hàng ngày cho cơ thể.
Thêm vào đó, cá mòi cũng chứa ít thủy ngân hoặc gần như không có so với các loại khác. Loại cá này còn giàu vitamin D và DHA, mẹ bầu nên ăn nhiều để tăng cường miễn dịch và hỗ trợ thai nhi phát triển thông minh, ngăn ngừa dị tật. Người Nhật cũng rất thích ăn cá mòi vì chúng sạch, ít bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường.
Cá đối sống chủ yếu ở các vùng nước mặn miền duyên hải và nước lợ tại các cửa sông lớn, rất quen thuộc với người Việt ta. Từ lâu, loại cá này được xem như một nguồn chất đạm quan trọng khi thịt còn khan hiếm, trứng cá đối cũng là món ăn ngon được nhiều thực khách ưa chuộng.
Theo y học cổ truyền, cá đối có tác dụng ích khí, cải thiện tiêu hóa và giúp điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính. Người cao tuổi, người ốm yếu và mới khỏi bệnh nên ăn nhiều cá đối để nhanh phục hồi. Loại cá này cũng sinh sôi khá nhiều, vòng đời ngắn nên hầu như ít bị nhiễm thủy ngân và độc tố, chị em nên mua cho cả nhà ăn thường xuyên vì cũng khá rẻ.
Vnexpress dẫn lời phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cá sống dưới nước, ăn tạp nên rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước. Các độc chất này tích lũy lâu ngày trong cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc dị ứng, tim mạch, suy gan, thận, bệnh về đường tiêu hóa cho người.
Ngoài ra, gan mật phát bệnh chủ yếu là do bệnh sán lá gan. Người ăn các món sống hoặc chưa nấu chín sẽ mang theo sán lá gan vào cơ thể, đặc biệt là khi ăn thủy sản nước ngọt như cá, tôm, ốc, các loại dễ nhiễm ký sinh trùng do môi trường sống ô nhiễm.
Ký sinh trùng nếu không được tiêu diệt có thể lây sang cơ thể người, thậm chí cư trú trong ruột nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1-2 m và gây ra những cơn đau quằn quại...
Theo bác sĩ Ninh, ruột cá là bộ phận bẩn nhất do dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước hoặc ký sinh trùng như trứng sán, trứng giun và giun xoắn. Do đó, nếu ăn ruột cá phải rửa thật sạch bằng muối, nấu chín, tránh nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng.
Mật cá cung cấp các men, enzim song cũng chứa rất nhiều độc tố như tetrodotoxin, tác hại lên hệ thần kinh gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Ăn mật cá có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp thậm chí tử vong. Lưu ý khi chế biến nên tránh làm vỡ mật cá, tránh để dịch mật cá bắn vào mắt.
Người bị gút nên hạn chế ăn cá khi đói để tránh làm bệnh thêm trầm trọng. Nguyên nhân là ăn cá khi bụng rỗng sẽ làm tăng lượng purine chuyển hóa thành dạng axit uric, một loại axit làm tổn thương ở mô, dẫn đến bệnh gút.
Theo bác sĩ, người ho lâu ngày và phải dùng thuốc điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng. Trong cá biển có chứa nhiều histamine, khi được nạp vào cơ thể quá nhiều có thể gây dị ứng, không có lợi cho sức khoẻ.
Sử dụng thuốc ho hay các thuốc kháng sinh liều cao cũng không nên ăn cá vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Người mắc bệnh gút, dị ứng nên tìm hiểu kỹ trước khi ăn cá để bảo vệ sức khỏe.
Người bị rối loạn, suy giảm chức năng gan, thận nghiêm trọng cũng nên hạn chế ăn do cá giàu protein. Khi tiêu thụ quá mức khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Người lớn cần cẩn thận để tránh hóc xương khi cho trẻ ăn cá bằng cách chọn cá ít xương hoặc vứt bỏ hết xương trước khi cho trẻ ăn.