Ngày 21/10, trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường, hướng đến đại học đa ngành và bền vững.
Lãnh đạo ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ cụ thể về lộ trình phát triển và những dấu mốc quan trọng của trường trong thời gian tới.
"Việc tái cấu trúc đã được trường ấp ủ từ lâu. Đề án tái cấu trúc nhà trường đã được báo cáo trước cán bộ, viên chức và được Đảng ủy, Hội đồng trường thông qua. Trên cơ sở đó, nhà trường bắt đầu triển khai đề án này", Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời GS-TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Lý giải quyết định tái cấu trúc, tiến lên một đại học đa ngành trong lĩnh vực kinh tế, GS Phong cho biết trong tương lai, một trường đại học đơn ngành không thể nào phát triển bền vững.
Trong nghiên cứu khoa học, tiếp cận giải quyết các vấn đề xã hội hoặc tham gia các bảng xếp hạng trên thế giới, một trường đại học đa ngành cũng có lợi thế hơn. Đặc biệt, với người học, họ mong muốn học tập tại một trường đa ngành.
Về việc thành lập trường thành viên thuộc trường đại học cũng phù hợp với quy định tại Nghị định 99 của Chính phủ, cho phép các trường được tái cấu trúc, hình thành đại học.
Cụ thể, trường thành viên được thành lập trong đại học có tối thiểu 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ. Mỗi trường cần quy mô đào tạo từ 2.000 người học trở lên.
Để phù hợp với định hướng một đại học đa ngành, lãnh đạo ĐH Kinh tế TP.HCM quyết định đổi tên trường thành ĐH UEH.
Nhà trường đã tổ chức cuộc họp mang tính chất như "hội nghị Diên Hồng của ĐH Kinh tế TP.HCM" để bàn về định hướng phát triển, tái cấu trúc, tên gọi mới nhận được sự thống nhất cao với hơn 95% giảng viên, viên chức, người lao động đồng thuận.
GS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ về quyết định chọn tên UEH vì đây vốn là tên gọi quen thuộc của nhà trường trong 45 năm qua và đã trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.
Liên quan đến sự việc, Tuổi Trẻ Online đưa tin, lộ trình tái cấu trúc, hướng đến ĐH UEH được hoạch định trong 3 bước:
Năm 2021, thành lập 3 trường thuộc UEH gồm:
- Trường Kinh doanh UEH (UEH College of Business);
- Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH (UEH College of Economics, Law and Government);
- Trường Công nghệ và thiết kế UEH (UEH College of Technology and Design).
Từ dẫn đầu lĩnh vực kinh tế, quản lý, luật tại Việt Nam trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh - quản lý, khoa học xã hội, công nghệ và thiết kế.
Giai đoạn 2022-2025: xây dựng đề án thành lập ĐH UEH, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật giáo dục đại học sửa đổi.
Giai đoạn 2026-2030: thành lập trường Quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế ISB, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2030 sẽ trở thành ĐH UEH, có danh tiếng học thuật trong khu vực châu Á và hội nhập hoàn toàn thế giới.
Thủy Tiên (T/h)