Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất xin hơn 4.000 tỷ trả nợ cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Đại biểu Quốc hội nói gì?

(DS&PL) -

Nhiều ĐBQH cho rằng, số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cần phân bổ giải quyết cho các khó khăn của địa phương hơn là chi để trả nợ cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nhiều ĐBQH cho rằng, số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cần phân bổ giải quyết cho các khó khăn của địa phương hơn là chi để trả nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sáng 29/5, trình Quốc hội kế hoạch phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng để trả nợ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khoản tiền này được lấy từ nguồn 10.000 tỷ đồng giảm vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ muốn xin hơn 4.000 tỷ để trả nợ tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Điều này khiến các vị đại biểu tranh luận gay gắt tại các tổ trong buổi thảo luận tổ sáng nay 29/5.

ĐBQH Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: “Hơn 4.000 tỷ trong 10.000 tỷ để trả nợ cho con đường này, xin thưa các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bây giờ các địa phương khác cũng đều muốn có một công trình như thế, nhưng cam kết cho các địa phương để giải phóng mặt bằng là điều rất khó. Tôi đề nghị việc này cần đánh giá đúng.

Tôi cũng đồng tình với các vị ĐBQH khác, tức là có thì cũng chỉ hỗ trợ phần nào đấy, phần còn lại để tạo ra một quỹ nguồn cho các địa phương khác. Nếu hôm nay không bàn được quỹ này thì tới đây bàn tiếp, đánh giá nhu cầu thực sự cấp bách của các địa phương là gì. Các địa phương không phải không có đề nghị xin đâu, đều có cả đấy, vậy thì nên thế nào đây? Từ giờ tới 2020 còn hơn 1 năm nữa thôi, tôi nghĩ cần đánh giá lại dự án, có hỗ trợ thì chỉ ở mức nào đó thôi để có nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương khác, khó khăn khác. Số tiền này một phần dùng cho hỗ trợ phát triển, một phần cho hỗ trợ an sinh cần ưu tiên thêm".

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Cũng phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Riêng khoản vốn này, Quốc hội đề nghị trừ ra vì còn những quan điểm khác nhau và đề nghị Chính phủ báo cáo lại”.

 “Trong báo cáo thẩm định chi tiết, chúng tôi đã đề nghị cần tập trung, tránh dàn trải bố trí vốn cho các công trình, có những công trình bố trí thấp quá 50, 60 chục tỷ, sao mà hoàn thành được? Nhiều báo chí sáng nay cũng có nêu rằng trả nợ 1 lần cho xong để doanh nghiệp khỏi phá sản, thế nhưng đây có phải nhu cầu cấp bách hay không? Thế còn sạt lở bờ sông, bờ biển theo đúng thứ tự rót vốn ưu tiên thì sao? Nhân dân, cử tri ở đây có ý kiến. Tôi đề nghị Chính phủ xem lại chỗ này”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết thêm: “Rất nhiều chỗ khác cũng nợ tiền giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng có cam kết thì nên bố trí cho hài hòa lợi ích doanh nghiệp, về nguyên tắc Chính phủ phải đề xuất, không xử lý bằng nguồn này thì bằng nguồn khác”.

ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng không đồng tình phân non nửa quỹ cho việc trả nợ ở dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ông Tạo nêu quan điểm: “Nguồn vốn dự phòng này có một tiêu chí theo thứ tự ưu tiên. Chúng ta ưu tiên vốn cho mục đích an sinh như xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp... sau đó mới là để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng...".

Ông Tạo dẫn chứng: "Hiện nay, việc chung của cả nước có 2 việc lớn: Ngoài sân bay Long Thành còn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chúng ta phải tính tới giải quyết dứt điểm những nút nghẽn tắc giao thông, nghẽn từ năm này qua năm nọ, năm nọ qua năm kia. Chúng ta phải khắc phục được việc một nơi người chờ đường, một nơi đường chờ xe. Nó quá vô lý. Tắc xe 5,6 giờ liền. Trong khi đó chúng ta lại quay sang chi cho giải phóng mặt bằng ở BOT Hà Nội - Hải Phòng”.

Cũng trong sáng nay (29/5), nói về số việc chi tiêu 10.000 tỷ đồng trong báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 71: “Sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay”.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật