Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất xe ôm phải có thẻ hành nghề: Thêm thủ tục, liệu có cần thiết?

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Luật sư Kiên cho rằng, việc đòi hỏi thêm giấy phép hành nghề chỉ tạo thêm rào cản hành chính, gây khó khăn cho những người lái xe ôm, đa số có thu nhập thấp.

UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Theo dự thảo, đối với người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

Dự thảo quy định người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Căn cước công dân còn hiệu lực; Thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Xe ôm công nghệ hoạt động tại bến xe Giáp Bát

Đối với UBND xã, phường, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện thì cơ quan này còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.

UBND TP.Hà Nội khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký.

Đề xuất trên của TP.Hà Nội đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Đáng nói, đây không phải lần đầu thành phố đề xuất cấp "thẻ hành nghề" đối với tài xế xe ôm. Trước đó, cuối 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề xuất người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Những người này phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển)... Nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người vận chuyển phải gửi lại thẻ cho đơn vị quản lý và nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại. Tuy nhiên, sau đó quy định đã không được thực hiện.

Luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt)

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt) cho biết, theo dự thảo này để được phép hành nghề xe ôm, các lái xe phải xin cấp một "thẻ hành nghề" tại các xã, phường. Tuy nhiên, việc này gây ra nhiều khó khăn, nhất là đối với những người lái xe ôm từ các tỉnh khác lên Hà Nội để hoạt động.

Luật sư Kiên phân tích, việc yêu cầu cấp giấy phép hành nghề này không rõ ràng về mục đích, đối với dịch vụ xe ôm công nghệ, các vấn đề như kiểm tra bằng lái, mua bảo hiểm đã được các hãng thực hiện. Do đó, việc đòi hỏi thêm giấy phép hành nghề chỉ tạo thêm rào cản hành chính, gây khó khăn cho những người lái xe ôm, đa số có thu nhập thấp".

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ lái xe máy cầm theo là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm.

Nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Như vậy, việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật. Do đó, luật sư cho rằng, người hành nghề xe ôm không cần phải làm thêm thẻ và đăng ký như quy định trong dự thảo.

Là người hành nghề xe ôm công nghệ nhiều năm, anh Nguyễn Văn Chung (Thanh Hoá) chia sẻ: "Đối với tài xế xe ôm, tôi nghĩ chỉ cần có bằng lái xe và có đầy đủ sức khỏe thì cũng đã đủ điều kiện để chở khách. Hơn nữa, đối với tài xế xe công nghệ thì thông tin của lái xe đã được hiển thị trên ứng dụng. Do đó, việc yêu cầu, phải xin chính quyền thẻ hành nghề tôi thấy rất phức tạp và không cần thiết".

Tin nổi bật