Sở GTVT TP. HCM vừa đề xuất UBND TP giao Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm.
Theo Tri thức trực tuyến, mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng.
Khu vực thu phí được ITD đề xuất (bên trong đường màu đỏ) - Ảnh: Vnexpress. |
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thu phí ô tô đi vào trung tâm gồm quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 bằng hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng. Dự án còn xây dựng một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành, quản lý hoạt động thu phí.
Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021 với tổng mức đầu tư dự án là 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.
Vnexxpress đưa tin, đề xuất lần này của Sở Giao thông Vận tải căn cứ vào quan điểm của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), sau nhiều lần được các cơ quan phản biện. Hồi giữa tháng 6, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của thành phố đã họp lần thứ hai để lấy ý kiến đối với dự án, cơ bản là ủng hộ chủ trương thực hiện.
Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân Sài Gòn - Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Hội đồng cũng đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư công - giao một đơn vị của TP. HCM làm chủ đầu tư, quản lý. Sau khi thực hiện xong dự án sẽ đấu thầu, thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố nhằm tránh dư luận phản đối tiêu cực.
Dự án vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh (việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống).
Hiện, Văn phòng UBND TP. HCM đã đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xem xét nội dung và trình UBND TP. HCM.
Lần gần nhất mà Công ty Công nghệ Tiên phong đề xuất là vào năm 2017 nhưng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và giới chuyên gia. Theo đề xuất lúc đó, mức thu phí từ 40.000 - 60.000 đồng/lượt xe, không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ, chỉ thu chiều xe vào và không thu chiều ra.
Minh Khôi (T/h)