Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

(DS&PL) -

Mới đây, sở Xây dựng TP.HCM đã có Tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước giai đoạn 2020 - 2024 gửi UBND TP.HCM.

Mới đây, sở Xây dựng TP.HCM đã có Tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước giai đoạn 2020 - 2024 gửi UBND TP.HCM. Theo đơn vị đề xuất, Tờ trình này cũng đã được lấy ý kiến nhiều sở, ngành liên quan và đi đến thống nhất đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước từ năm 2020 với mức giá 1.430 đồng/m3 , chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thu thêm thì tình trạng thoát nước của thành phố cũng ít được cải thiện, thậm chí có thể không cải thiện dẫn tới ngập vẫn như cũ.

Tính theo mức tiêu thụ nước

Năm 2021, giá này sẽ tăng lên 2.033 đồng/m3 và tiếp tục tăng lên 2.694 đồng/m3 vào năm 2022.Năm 2023 là 3426 đồng/m3 và đạt mức 4.237 đồng/m3 vào năm 2024/m3 . Đối tượng bị áp dụng thu phí thoát nước là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn. Đối với những hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sẽ phải đóng phí bảo vệ môi trường.

Để có cơ sở thu tiền dịch vụ thoát nước, tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân, cơ quan, đơn vị thông qua hóa đơn tiền nước.

Đại diện Sở xây dựng cho hay, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước sẽ nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống thoát nước, sau khi trừ 1% dành cho chi trả dịch vụ đi thu và đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính, nếu có. Sở xây dựng cũng cho rằng, mức giá trong Tờ trình là hợp lý và tương đối thấp so với giá ở các địa phương khác, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp...

Trước đó, từ tháng 11/2019, giá bán nước sạch tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2022 đã tăng trung bình từ 5% đến 7%/năm. Nếu đề xuất này được chấp nhận, giá tiền nước sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả trong năm 2020 là 11.029 đồng/m3 , sang năm 2021 là 12.198 đồng/m3 và đến 2024 là 16.344/m3 . Giá này chưa bao bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.

Trước thông tin này, nhiều người dân được hỏi đã phản ứng khá gay gắt. “Trong thời điểm hiện nay, cái gì cũng tăng nhưng thu nhập lại giảm xuống, dịch bệnh hoành hành thì thêm một đồng cũng là thêm một cái khó cho người dân. Chúng tôi đã phải tiết giảm rất nhiều thứ, trong đó có việc sử dụng điện và nước một cách hợp lý nhất. Do đó, nếu tính thêm phí dịch vụ thoát nước vào giá nước là không phù hợp. Thuế phí sẽ chồng thuế phí, người dân sẽ quá sức chịu đựng, vì vậy, cần tính đến các phương án giảm thuế phí thay vì cộng thêm, người dân sẽ vui mừng hơn”, bà Hồ Thuý Phượng, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM nói.

TS. Nguyễn Văn Mạnh, trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Thay vì, các bên liên quan tập trung vào ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí, thực hiện tốt hơn công tác ghi chỉ số nước và thu tiền thông qua tài khoản để giảm bớt chi phí thì nay lại tính phương án thu thêm tiền dịch vụ thoát nước. Điều này là hết sức bất hợp lý, gây ra phản ứng của người dân và không phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi dịch bệnh đang bùng phát, người dân thắt chặt chi tiêu”.

Hai vấn đề cần làm rõ

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Thắng, chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai vấn đề cần phải làm rõ trong việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước. “Ở đây, cần phải chứng minh và có căn cứ để người dân cảm thấy đồng thuận, ủng hộ trong quyết định này. Một là, phải đảm bảo được việc thu tiền phí từ nước thải của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh... sẽ đưa vào để phục vụ cho đầu tư hạ tầng thoát nước. Đồng thời, phải có kế hoạch/đề án, báo cáo tính khả thi để cho thấy có hiệu quả và góp phần cho TP.HCM hết ngập.

Bởi, nói đến hệ thống thoát nước là liên quan đến việc chống ngập úng đang hết sức nan giải tại TP.HCM trong nhiều năm qua. Thành phố đã tốn ngân sách, thực hiện đổi đất lấy hạ tầng/giải pháp chống ngập... Tuy nhiên đến nay, ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí có dấu hiệu còn nặng nề hơn. Vấn đề đặt ra là, phải minh bạch”, TS.Nguyễn Hoàng Thắng cho biết.

Vấn đề thứ hai mà chuyên gia này nói đến chính là sự vô lý trong cách tính chỉ số nước đầu vào và đầu ra. “Phải chứng minh cho người dân thấy được, lượng nước đầu vào sẽ bằng với lượng nước thải ra thì mới có căn cứ xác định mức tiêu thụ dựa theo hóa đơn tiền nước. Thực tế điều này không hợp lý, vì rất nhiều trường hợp các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh... sử dụng nước hàng ngày cho việc nấu nướng, ăn uống, các mục đích khác sản xuất... Vậy thì nước đầu vào và nước đầu ra là khác biệt. Chúng tôi cho rằng, nếu chứng minh được hai vấn đề này thì người dân sẽ đồng tình ủng hộ, còn không thì người dân sẽ phản ứng”.

Ở góc nhìn về vấn đề thoát nước và chống ngập, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc doanh nghiệp xây dựng HCG cho rằng: “TP.HCM đang thu thuế, phí các loại rất cao nhưng hiện được giữ lại rất thấp nên việc đầu tư cho hạ tầng, trong đó có hạ tầng thoát nước còn hạn chế. Tôi cho rằng, việc chống ngập đòi hỏi rất nhiều tiền, đặc biệt là đầu tư mới và cải tạo lại hệ thống thoát nước của thành phố. Với lượng tiền đầu tư hiện nay so với ngân sách của TP.HCM là lớn nhưng để chống ngập một cách toàn diện, hiệu quả như vậy là ít.

Từ phân tích trên, tôi cho rằng, việc thu thêm từ dịch vụ thoát nước để đầu tư cho hạ tầng thoát nước là chưa hợp lý. Vì có thu thêm thì tình trạng thoát nước của thành phố cũng ít được cải thiện, thậm chí không cải thiện thêm, dẫn tới ngập vẫn như cũ, trong khi người dân lại phải gánh thêm một khoản phí. Như vậy, mục đích của việc này vừa không đạt được vừa gây bức xúc cho người dân”, ông Cường khuyến nghị.

Đồng quan điểm, TS.Mạnh cho rằng: “Các cơ quan phụ trách vấn đề này nên tính phương án khác để có hiệu quả hơn. Điển hình như, tìm chỗ cho nước thoát ra thay vì đầu tư hệ thống thoát nhưng nước không thể thoát được. Khi không cân đối được, đầu tư không giải quyết được vấn đề gì cả. Đó là chưa kể số tiền chi cho việc này nhỏ lẻ, manh mún nên làm theo kiểu nửa vời, không đồng bộ, dẫn tới chỗ thông, đoạn lại tắc kéo theo rất nhiều hệ luỵ về sau”.

CHÍ THANH

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số Chủ Nhật (34)

Tin nổi bật