Theo lý giải của Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 và chất lượng không khí năm 2017 của GreenID, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong không khí đô thị. Trong đó xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Trong khi đó, hiện mới có quy định về kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới, trong khi đó chưa áp dụng cho xe máy đang sử dụng. Điều này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng.
Từ thực trạng trên, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng quy định.
Đề xuất trên của Bộ GTVT ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều chuyên gia nhận định, đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ góp phần tích cực bảo vệ môi trường không khí, tạo thói quen chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên của người dân. Và lợi ích trước mắt sẽ là đảm bảo an toàn, sức khoẻ của chính những người tham gia giao thông.
Xe máy là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại Việt Nam
Trao đổi với PV ĐS&PL, chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án Luật Đường bộ là phù hợp.
Theo đó, khí thải từ các phương tiện như xe máy cũ gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon, hidrocarbon, các dạng oxit nitơ và các chất khác. Những chất này gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân.
Thế nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, một bộ phận người dân nghèo sinh sống ở các thành phố đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát để mưu sinh, khi kiểm định chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu. Việc chính quyền thu hồi các xe này hay không lại cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”.
Theo TS. Thuỷ, cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen, gây tiếng động... Tức là không buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành thực hiện kiểm định khí thải định kỳ. Vì hiện nay, Hà Nội có trên 7,7 triệu xe máy, TP.HCM có khoảng 9 triệu xe máy, nếu kiểm tra hết thì không phù hợp.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, anh Nguyễn Công Huân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc Bộ GTVT triển khai, quản lí trong việc phát thải khí thải với xe máy là rất cần thiết, cần có những kế hoạch và phương án triển khai phù hợp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án triển khai của Bộ GTVT, vì rất nhiều lần đi sau những xe xì khói đen, mà lại còn dừng đèn đỏ khiến mọi người rất khó chịu. Không thể chấp nhận cảnh đường thì đông mà có những xe vừa chạy, vừa bốc khói như vậy. Chưa kể những xe cà tàng, tự chế tháo cả ống pô ra gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và sức khẻo con người”, anh Huân chia sẻ.
Anh Đặng Văn Tú (Thường Tín, Hà Nội) là chủ một cơ sở bảo dưỡng xe máy nhận định, để xác định những phương tiện nào thuộc diện phải kiểm tra định kỳ rất khó, bởi có những phương tiện sử dụng nhiều năm nhưng đến lúc bảo dưỡng, kiểm tra thì bộ lọc xe không khí vẫn tốt, bộ máy vẫn êm. Ngược lại, các xe mới sử dụng khoảng 5-10 năm đã nhả khói đen.
"Người dân đi đã tham gia phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm với khí thải mà xe mình xả ra. Vấn đề là việc kiểm định, thu phí phải minh bạch và rõ ràng, thuận tiện và chi phí hợp lí là mọi người dân sẽ chấp hành”, anh Tú chia sẻ.
Việc kiểm soát khí thải xe máy là điều cần thiết để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Để biết xe máy đang sử dụng có đạt chuẩn khí thải hay không cần thực hiện đo, đánh giá kết quả bằng thiết bị và phần mềm kiểm tra khí thải phương tiện giao thông cơ giới và so sánh với tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn khí thải lớn nhất cho phép đối với mô tô, xe máy. Trường hợp xe máy có khí thải vượt mức giới hạn lớn nhất cho phép trong tiêu chuẩn là không đạt tiêu chuẩn về khí thải”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến (Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT) cho biết, việc các đơn vị chức năng thí điểm kiểm đo khí thải xe máy là điều cần thiết. Song, để giảm thiểu tỉnh trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông, cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, hỗ trợ về tiền, phí đăng kí xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Trước đó, từ năm 2021, TP.HCM và Hà Nội đều đã hướng tới việc kiểm tra khí thải xe máy. TP.HCM đã thí điểm một số điểm kiểm tra khí thải xe máy miễn phí, Hà Nội cũng đề xuất đổi xe máy cũ lấy xe máy mới và kiểm tra khí thải.
Trung Dũng