Sáng nay (23/1), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Vấn đề sửa nghị định thay thế nghị định 86, “cởi trói” cho các loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô được nhiều đại biểu quan tâm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội, tiếp tục “than khó” cho taxi truyền thống khi bị bó buộc quá nhiều điều kiện kinh doanh.
Ông đề xuất trong phạm vi thay đổi giá 5%, các doanh nghiệp taxi được thay đổi giá cước mà không phải thông báo với cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi.
Ông Nguyễn Công Hùng Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ảnh: VOV |
Người đứng đầu Hiệp hội taxi Hà Nội cũng nói về các điều kiện kinh doanh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Đơn cử, các doanh nghiệp phải khám sức khỏe thường kỳ cho lái xe, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không.
Điều này khiến taxi truyền thống ngày càng teo tóp. Ông dẫn con số hiện Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước.
Ông Hùng đề xuất tiếp tục cởi trói cho taxi truyền thống, có các quy định công bằng hơn giữa các loại hình vận tải. Ông đề xuất có một loại biển số màu vàng cho các xe kinh doanh trên đường phố, giống như xe Nhà nước có biển số màu xanh, xe quân đội có màu đỏ…
Ông giải thích, biển số màu vàng sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong kiểm soát xe kinh doanh, tạo sự công bằng thực sự cho mọi loại xe.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng các quy định mới, hoặc mới sửa đổi trong nghị định thay thế nghị định 86 đã xuất hiện hàng loạt bất cập. Bà lấy ví dụ các quy định như cho phép áp dụng hình thức hợp đồng điện tử, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, hợp đồng vận tải…
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì nhấn mạnh việc xây dựng quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải vẫn cần phải xem xét theo một loại hình kinh doanh vận tải mới.
Ông nhận định dự thảo mới chỉ mang tính siết chặt hơn là cởi trói cho giao thông vận tải. “Không thể áp dụng cái mới theo khung của cái cũ. Cái mới xuất hiện phải buộc theo cái cũ và chỉ sửa mang tính kỹ thuật. Cần thay đổi cách nhận thức về loại hình kinh doanh mới”, ông nhấn mạnh.
Ông Hiếu lấy ví dụ một số nước phát triển đã xây dựng điều kiện kinh doanh vận tải có tầm nhìn hàng chục năm nữa, thậm chí tính toán đến việc xuất hiện phương tiện bay cá nhân. Theo đó, Việt Nam cũng cần phải có một quy định mang tính tầm nhìn xa hơn.
Kiều Trang (T/h)