Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề thi tham khảo Tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ Văn: Tăng độ khó, tránh học tủ, khó có "mưa" điểm 9

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Trong đề thi tham khảo Tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ Văn, ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, có sự liên kết giữa phần Đọc hiểu và Nghị luận văn học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố đề minh họa, đáp án của 17 môn thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, đề hai môn bắt buộc là Toán và Văn được các giáo viên đánh giá tăng độ khó và độ phân hóa thí sinh so với các năm trước.

Dưới đây là đề minh hoạ môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: 

 

 

Đề minh hoạ môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo VnExpress, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng môn Văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cho biết cấu trúc đề gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn với tỷ lệ điểm 4:6 thay vì 3:7 như trước đây. Thầy ủng hộ thay đổi này, bởi với học sinh đại trà, kỹ năng đọc hiểu cần nhiều hơn viết.

Bên cạnh đó, câu nghị luận xã hội mặc định yêu cầu thí sinh viết đoạn văn, còn nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn. Theo thầy Minh, đề minh họa cho thấy có sự thay đổi linh hoạt, tùy vào thể loại văn bản ở phần Đọc hiểu. Ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, có sự liên kết giữa phần Đọc hiểu và Nghị luận văn học nên thí sinh chỉ phải xử lý một văn bản cho cả hai phần.

"Những điểm mới này sẽ tác động tích cực đến việc dạy học môn Văn, tránh việc học tủ, ghi nhớ máy móc", thầy Minh nhận định.

Tuy nhiên, thầy mong muốn cách đặt câu hỏi của đề mới mẻ, đột phá hơn. "Cách hỏi, dạng câu hỏi cơ bản vẫn như trước, chưa có thay đổi mang tính đột phá, vì thế chưa thể tạo cơ hội để học sinh phát huy khả năng sáng tạo, tiếng nói riêng", thầy Minh nhận xét.

Trong khi đó, Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Hocmai cũng cho rằng đề thi đảm bảo các tiêu chí về việc lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi, bám sát định hướng và mục tiêu chương trình mới nhưng không có nhiều thay đổi so với đề thi năm 2024

Câu hỏi nghị luận văn học đã có sự thay đổi từ "làm rõ đặc điểm của thể loại" sang "phân tích nội dung". Điều này giúp giảm áp lực tâm lý cho thí sinh bởi yêu cầu "phân tích giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của một tác phẩm văn học" đã quen thuộc với các em trong nhiều năm. Trong khi đó, với yêu cầu "làm rõ đặc điểm của thể loại", thí sinh cần cần huy động nhiều kiến thức, khả năng đọc - hiểu thể loại tốt hơn.

Thầy Minh đánh giá với đề này, học sinh dễ đạt điểm trung bình nhưng khó có tình trạng "mưa" điểm 9 như năm vừa rồi. Với ngữ liệu ngoài sách, giáo viên phải chuyển trọng tâm từ việc dạy nội dung sang hướng dẫn phương pháp, cách thức làm bài, từ đó hình thành năng lực đọc hiểu và viết cho học sinh.

2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Môn Ngữ văn vẫn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi minh hoạ bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ công bố, đồng thời bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ yếu là lớp 12. Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, sát với chương trình và quá trình dạy học ở các nhà trường, Bộ đã mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, tác giả sách giáo khoa mới... tham gia xây dựng đề.

Tin nổi bật