Theo báo Dân Trí, tại Hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm trước là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.
Từ yêu cầu chung này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo cần tập trung làm tốt 8 nhóm vấn đề cho công tác chuẩn bị và triển khai thi. Trong đó, trước hết là làm tốt việc tổ chức dạy học, ôn thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, muốn thi tốt phải ôn thi tốt, vì thế, ông yêu cầu lãnh đạo sở GD&ĐT cùng các phòng chuyên môn chỉ đạo tốt công tác dạy và học của học sinh lớp 12.
Năm 2025 sẽ chỉ có 3 buổi thi tốt nghiệp. Ảnh minh họa: VietNamNet
"Nếu thầy cô hàng ngày, hàng kỳ, cả năm học dạy học tốt rồi kỳ thi sẽ không còn áp lực", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh điều này. Đồng thời, ông nhắc tới dự lệnh sang năm sau khi hoàn thành chương trình học sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT sớm hơn, để việc ôn thi không phải kéo dài.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại Thông tư 29 quản lý dạy thêm, học thêm chứ không phải cấm ôn thi. Ôn thi là trách nhiệm của nhà trường. Nơi nào học sinh yếu kém là việc dạy học chương trình chính khóa chưa tốt, không có lý do bao biện là do Thông tư 29.
Bộ không khuyến khích dạy thêm tự nguyện mà hãy dạy đúng giờ chính khóa, đổi mới phương pháp, phân chia đối tượng, không cào bằng học sinh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng còn đề nghị Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành tổ chức thi thử đối với 100% học sinh vì năm nay lần đầu tiên thi Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo thông tin trên VietNamNet.
Tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc thi thử cũng giúp giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.
Bên cạnh thi thử, các nhà trường phải sử dụng đa dạng phương thức ôn thi như: học nhóm, thuyết trình, phối hợp thầy cô nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn thi trên truyền hình… để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi. Việc tập dượt cũng giúp giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.
Dự kiến năm 2025, có hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp, tăng 40.000 em so với năm ngoái. Tất cả 100% thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNeID để đăng ký trực tuyến, không cần cung cấp giấy tờ khác. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 21/4 - 28/4 (trước đó có 4 ngày để đăng ký thử).
Năm 2025 sẽ chỉ có 3 buổi thi tốt nghiệp (năm ngoái 4 buổi). Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, từ 30% lên 50%. Thay đổi về chứng chỉ và điểm khuyến khích đối với Ngoại ngữ, Tiếng Việt, chứng chỉ nghề.