Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, mà lùi lại chờ thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Điều kiện hưởng bảo hiểm một lần?

Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án: + Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

+ Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.

Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 1 của Điều 3 theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.

 

Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện tương tự như việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước; bổ sung và thể hiện tại khoản 2 Điều 132 việc giải quyết tố cáo đối với thời gian trước năm 1995 do cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau. Về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 21 theo hướng: “Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm”.

Đề nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Báo Lao động thông tin, theo đại biểu hầu hết các quy định trong dự thảo luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách tiền lương vì đây là căn cứ để thu chi và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Qua nghiên cứu các báo cáo, đại biểu cho biết nội dung này có sự chưa thống nhất. Cho đến nay chưa có báo cáo đánh giá đầy đủ tác động chính sách gửi đến ĐBQH theo đúng quy định.

Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cũng như chính sách liên quan đến BHXH là vấn đề rất lớn. Do đó, việc thay đổi chính sách này không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương.

Trong khi tiền lương sẽ có thay đổi căn bản từ 1/7/2024 và không rõ mức tham chiếu sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào. Mặt khác việc này cũng phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7.

Theo đại biểu, chính sách BHXH là sự chia sẻ giữa các thế hệ, không chỉ là nguyên tắc đóng hưởng của mỗi cá nhân. Do đó, với người đang làm việc, BHXH hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu và sự chia sẻ giữa các thế hệ cần được quan tâm trong quá trình cải cách tiền lương. Phải làm sao để người làm việc và người nghỉ hưu không có khoảng cách khá xa về tiền lương.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị có đánh giá tác động và nghiên cứu thấu đáo. Về thời điểm thông qua luật, đại biểu kiến nghị nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương (1/7).

Tại phiên làm việc, ĐBQH Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (Đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm. Đại biểu Sơn cho rằng, nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia BHXH muộn, tức là khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.

ĐBQH Trần Kim Yến. Ảnh: Tuổi Trẻ

Còn ĐBQH Trần Kim Yến (Đoàn TP.HCM) cho biết, dự thảo luật bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.

Tin nổi bật