Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5714/VPCP-CN gửi Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến Báo cáo thẩm định số 5590/BC – BKHĐT đối với Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chủ trì cuộc họp về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn; thời gian họp cụ thể sẽ thông báo sau.
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn
Để bảo đảm nội dung phục vụ cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ: GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Quốc phòng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, trách nhiệm cơ quan thẩm định để nghiên cứu có ý kiến về các kiến nghị, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT và có ý kiến cụ thể về các nội dung.
Cụ thể, Bộ GTVT có ý kiến về sự phù hợp phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch liên quan đối với từng giai đoạn đầu tư của Dự án (vị trí, quy mô, diện tích sử dụng đất, công suất hàng hóa thông qua); chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ đối với Dự án theo Luật chuyển giao công nghệ; các nội dung liên quan đến giao thông kết nối phục vụ khai thác bến cảng và tác động của Dự án đến các cảng biển trong khu vực (cảng Cái Mép Hạ, Cái Mép – Thị Vải, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu);
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định rõ quan điểm về tác động môi trường của Dự án; sự phù hợp nhu cầu sử dụng đất của Dự án với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về thẩm quyền, trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư và các Nghị định có liên quan.
Bộ Ngoại giao có ý kiến về quy định quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới, các nội dung liên quan về tác động, ảnh hưởng của Dự án đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ nghiên cứu kỹ quy định pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, lâm nghiệp… về các nội dung Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm nội dung gì? Nêu rõ ý kiến, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì được hiểu là đã cho phép về môi trường, đất đai, quy hoạch,… hay là phải được phê duyệt các Quy hoạch, môi trường, đất đai… rồi mới có căn cứ để chấp thuận chủ trương?
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát kỹ các nội dung thẩm định theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó cần khẳng định rõ về nội dung đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đã tuân thủ khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2024 và pháp luật có liên quan; cơ sở pháp lý về việc phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian đầu tư 22 năm, dự kiến hoàn thành năm 2045; bổ sung rõ quy mô đầu tư, công suất hàng hóa thông qua bến cảng của từng giai đoạn; rà soát tên dự án bảo đảm thống nhất với các văn bản có liên quan; bổ sung nội dung đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
Nội dung kiến nghị phải có ý kiến rõ Dự án đã bảo đảm đầy đủ điều kiện và đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hay chưa.
Trong tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, UBND TP.HCM cho biết, theo đề xuất của nhà đầu tư, địa điểm thực hiện dự án tại Cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM, khu vực tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, Nghị quyết số 98 của Quốc hội thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, UBND Thành phố xác định, dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, là dự án “có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên”. Hiện nhà đầu tư gồm liên danh Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất làm chủ đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư khái toán hơn 113.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 22 năm, chia làm 7 giai đoạn (từ 2027 - 2045).
Mục tiêu dự án nhằm xây dựng các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển, xếp dỡ hàng container; sử dụng cầu, bến và phao neo; đại lý làm thủ tục hải quan; vận tải hàng hóa; phân tích, kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ khác. Dự kiến trước ngày 30/6/2024, UBND TP.HCM sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án.
Dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, bao gồm khu vực bến chính dài 6,8 km, khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs và tàu trung chuyển; bến sà lan dài 1,9 km để tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs.
Về giao thông kết nối, dự án sẽ đầu tư đồng bộ đường kết nối từ đường Rừng Sác đến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng theo phương án tuyến đi qua sông Lòng Tàu. Nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP), hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.