Từ nhiều năm qua, cứ mỗi mùa mưa bão qua đi, hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dọc từ vùng Gò Công (Tiền Giang) cho tới mũi Cà Mau lại bị tàn phá tan hoang bởi sự thay đổi ngày một khó lường của biến đổi khí hậu
Với chiều dài đường bờ biển lớn, Việt Nam là nước có diện tích rừng ngập mặn ven biển lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau rừng Amazon ở Nam Mỹ. Trong đó, một nửa rừng ngập mặn tập trung ở khu vực Nam bộ, trải dài từ Cần Giờ cho tới mũi Cà Mau. Tuy nhiên, cũng theo các thống kê, từ năm 1973 đến nay, rừng ngập mặn ven biển ở nước ta đã giảm chỉ còn một nửa do thiên nhiên và con người tàn phá đã phá hủy rất nhiều hệ sinh thái cùng hệ động thực vật nơi này.
Hệ sinh thái rừng tiêu tan
Được cho là có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái biển nói chung, hệ sinh thái rừng ven biển bao gồm những cánh rừng ngập mặn với chủ yếu là cây đước, cây bần, cây trang, cây sác… những loài cây sống khỏe trong môi trường nước mặn, có nhiệm vụ điều tiết môi trường ven biển. Theo các chuyên gia môi trường, rừng ngập mặn ven biển có tác dụng làm chậm dòng chảy và sự phát tán rộng nước triều, làm giảm độ cao của sóng khi triều cường, bảo vệ đê biển, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Ngoài ra, rừng ngập mặn ven biển còn là nơi bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn mang lại các giá trị và dịch vụ to lớn cho đời sống, là vườn ươm và phát triển của nhiều loài thủy hải sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch và tham quan học tập, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển và lá phổi xanh hấp thụ khí cacbonic điều tiết nhiệt độ và khí hậu…Tóm lại, đây là một hệ sinh thái cực kỳ quan trọng không chỉ đối với vùng ven biển mà còn là đối với đời sống của con người và sinh vật khác nói chung.
Thế nhưng, tình trạng biến đổi khí hậu và những khó lường của thiên nhiên, hầu hết những cánh rừng phòng hộ ở khu vực đồng bằng này đều bị tàn phá nặng nề. Cá biệt, nhiều nơi rừng đã không còn mà thay vào đó là những bãi đất trống trơ, bị nước biển xâm thực mỗi ngày. Theo tìm hiểu, tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), nơi có chừng vài chục cây số đường ven biển với nhiều cánh rừng ngập mặn thì hầu hết đều bị mỏng dần đi. Trước kia, với những dải rừng phòng hộ xanh ngút ngàn, có nơi rộng tới 1.600 mét nhưng gần đây, chúng đều bị tàn phá nặng nề bởi biến đổi khí hậu mà cụ thể là sóng biển và cả chính con người đã phá rừng để nuôi trồng thủy sản. Theo đó, rừng cứ ngày một mỏng dần đi. Sau mỗi mùa mưa, hàng trăm mét rừng lại bị sóng biển cuốn trôi. Ngày nay, nhiều đoạn rừng chỉ còn khoảng 200 mét hoặc đã bị mất hết và nguy cơ xâm thực của nước biển vào đất liền đã hiển hiện rất rõ ràng. Thêm nữa, việc con người phá rừng để nuôi tôm, nuôi nghêu và các loài thủy hải sản khác cũng khiến rừng ven biển không thể phục hồi như trước được.
Nhưng không chỉ có ở địa phận Tiền Giang, tại tỉnh Trà Vinh, những cánh rừng phòng hộ ven biển huyện Duyên Hải cũng đang bị tàn phá nặng nề. Theo người dân địa phương, sóng biển ngày một hung dữ “tấn công” liên tục chính là nguyên nhân khiến hàng chục héc ta rừng phòng hộ nơi đây bị hủy hoại, trôi ra biển. Thế nhưng, hệ lụy của việc những cánh rừng phòng hộ này mất đi lại nguy hại hơn rất nhiều. Đó là hàng trăm ngôi nhà của người dân đã bị sạt lở cùng rất nhiều những ngôi nhà khác cũng có nguy cơ bị nước biển cuốn đi. Không chỉ nhà cửa, rất nhiều hoa màu, vật nuôi thủy sản ở khu vực ven biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn xâm thực của nước biển. Ngoài ra, rất nhiều loài tôm cá cua ghẹ sinh sống ở trong rừng ngập mặn cũng không còn khiến sinh kế của những ngư dân ven biển ngày thêm khó khăn, tác động trực tiếp tới cuộc sống của họ. Rồi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng có hàng trăm cây số đê ven biển gắn với những cánh rừng ngập mặn bị cuốn trôi. Tình trạng những cánh rừng ven biển rộng mênh mông dần dần bị hoang tàn đã ngày một nhiều hơn.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, mặc dù hầu hết những cây gỗ sinh sống ở khu vực rừng ngập mặn ven biển không có giá trị cao dùng trong đời sống như cây gỗ ở rừng nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau như nói ở trên, những cánh rừng ngập mặn vẫn ngày một mất đi trong sự tiếc nuối của nhiều người. Và, việc bảo tồn cũng như gìn giữ, phát triển những cánh rừng ngập mặn ven biển đang ngày một khó khăn, trở thành thách thức lớn với chính quyền địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long do dân cư đông, xã hội phát triển ngày càng nhiều và biến đổi khí hậu cũng khó lường hơn trước.
Khó khăn những giải pháp bảo tồn
Có một thực tế mà các chuyên gia môi trường phải thừa nhận, đó là phá rừng ngập mặn thì dễ, nhưng phục hồi, phát triển nó thì lại rất khó khăn và tốn kém. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thì việc gìn giữ và phát triển rừng ngập mặn ở Việt Nam là vô cùng bức thiết và khẩn cấp, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long do nơi này thường xuyên bị tàn phá. Cụ thể, với kinh nghiệm của những nước tiên tiến, có đường bờ biển dài như Hà Lan thì việc xây dựng đê biển và rừng phòng hộ ven biển là 2 yếu tố tối quan trọng để chống lại sự tàn phá của thiên nhiên, cũng như gìn giữ hệ sinh thái, môi trường sống chung ở vùng ven biển.
Thế nhưng, với kinh nghiệm thực tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên đầu tiên của việc này chính là giữ gìn hệ sinh thái rừng. Thực ra, đây cũng không hoàn toàn là việc làm bất khả thi bởi ở Việt Nam, đã có một số địa phương thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn những cánh rừng ngập mặn ven biển rất tốt. Cụ thể, như huyện Cần Giờ (TP HCM), địa phương này đã biến hàng ngàn héc ta rừng ngập mặn ven biển thành một khu dự trữ sinh quyển quan trọng của thế giới. Có thể nói, đây chính là hướng đi đúng đắn giúp hệ sinh thái rừng phát triển bền vững cũng như môi trường sống của con người được đảm bảo. Vấn đề đặt ra là, làm sao để những cánh rừng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển và bền vững như khu rừng Cần Giờ thì nhiều địa phương chưa giải quyết được.
Vì vậy, việc quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế xã hội ở các vùng ven biển, đặc biệt là quy hoạch môi trường cho bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển là đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong khu vực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn ven biển. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như là lá chắn bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tựu trung lại, có thể nhận xét rằng, hệ sinh thái rừng ngập mặn là một nguồn tài nguyên quý giá về nhiều mặt với môi trường sống của con người. Bảo vệ được hệ sinh thái này là bảo vệ được độ ổn định, cân bằng của cả hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường trong quá trình phát triển bền vững, là ưu tiên cần thiết đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com