Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Ngành giáo dục phải có giải pháp để tuyển dụng được những người phù hợp

(DS&PL) -

ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm của mình xoay quanh vấn đề quản lý, giám sát con người ở các địa phương.

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Sơn La đang gây xôn xao dư luận, ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm của mình xoay quanh vấn đề quản lý, giám sát con người ở các địa phương.

Những ngày qua, vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, khi có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp giúp rút bài, sửa nâng điểm có “giá” là một tỷ đồng. Xoay quanh vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng việc có thể đổi tiền lấy điểm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, cùng với đó trách nhiệm giám sát của địa phương trong việc này ở đâu khi để xảy ra vụ việc tiêu cực không đáng có?

Trước những ý kiến này, bên hành lang Quốc hội phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ ĐBQH Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Xem video: ĐBQH Phạm Tất Thắng nói về gian lận thi cử ở Sơn La

[presscloud]10085[/presscloud]

Thưa đại biểu, có thông tin bị can khai mỗi trường hợp nâng điểm có “giá” 1 tỷ đồng/thí sinh, ông đánh giá thế nào về việc chỉ cần chi 1 tỷ mà có thể đỗ được đại học?

Mục tiêu của bất cứ kỳ thi nào, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia gắn với mục tiêu là xét tuyển cao đẳng đại học thì kỳ thi đó phải đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan.

Còn việc có thể dùng yếu tố tác động ví dụ như quan hệ, tiền bạc để làm sai lệch, thay đổi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, đây là việc không được phép diễn ra. Phải đảm bảo được niềm tin của dư luận xã hội, của người dân đối với sự công bằng, chính xác, khách quan của kỳ thi này.  

Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi, coi thi để tránh việc gian lận thi cử như trong kỳ thi vừa qua? 

Ở đây, đúng là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước là bộ GD&ĐT, và chính quyền các địa phương. Bởi, hầu như việc tổ chức cụ thể là do ngành giáo dục của địa phương, dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cần có sự tăng cường trong công tác thanh kiểm tra ở các khâu của quá trình tổ chức thi.

Về mặt kỹ thuật, làm sao các khâu, công đoạn của quá trình tuyển sinh càng độc lập, càng khách quan, một người không thể tác động vào quá nhiều khâu. Càng tăng cường công tác thanh kiểm tra thì càng giúp cho kỳ thi diễn ra khách quan.

Thời gian tới, bộ GD&ĐT cần phải làm gì để không xảy ra tình trạng gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019?

Kỳ thi năm 2018 đã có những sự cố mà báo chí và dư luận xã hội đã trao đổi rất nhiều, những bất cập đó đã được nhận diện, cơ quan quản lý nhà nước, bộ GD&ĐT, các địa phương cũng đã nhìn ra những bất cập đó, tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật đã đưa ra, nhưng tôi cho rằng yếu tố con người, sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương, đặc biệt tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm thi càng phải được nâng cao. Tôi cho rằng, sự cố và hậu quả của kỳ thi năm 2018 là bài học hết sức nặng nề cho chính người làm công tác thi, cũng như các địa phương.

Tôi mong rằng, kỳ thi tới này diễn ra sẽ đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan để vừa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, chức năng của kỳ thi này, đồng thời không để những sự cố đáng tiếc bằng việc phải mất khá nhiều cán bộ trong kỳ thi này vào năm 2018.

ĐBQH Phạm Tất Thắng trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Ông vừa nói đến yếu tố con người, vậy thì cần phải có những hoạch định như thế nào về yếu tố này?

Trước hết, về yếu tố con người kể cả về bình diện xã hội nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng đều có những yêu cầu riêng. Đối với những người làm nhiệm vụ trong các hệ thống, đều yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức phải thực thi tốt đạo đức công vụ, phải làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đề cao yếu tố đạo đức, phẩm chất…

Cho nên, ở đây nằm ở yếu tố cá nhân, có liên quan đến cả môi trường xã hội. Xã hội đa dạng có mặt tốt và xấu. Vấn đề của cơ quan quản lý là làm sao đề xuất có cơ chế để có thể tuyển dụng được người phù hợp nhất với công việc, cả về yếu tố chuyên môn, cả về đạo đức nghề nghiệp.

Cả hệ thống trong đó có ngành giáo dục cũng phải quan tâm để có những điều kiện làm việc tốt, để mỗi một cán bộ, công chức viên chức thực hiện tốt chức năng của mình.

Đồng thời, cần phải có chức năng giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm từ lúc còn là biểu hiện, để có hình thức xử lý.

Khi đã có những vụ việc xảy ra thì cần xử lý, điều tra và có xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Sau những vụ việc dư luận rất bất bình về ngành giáo dục, vậy theo ông việc này cho thấy điều gì?

Giáo dục là một bộ phận của xã hội, ngành giáo dục có yếu tố đặc thù, đòi hỏi xã hội, mỗi người trong ngành phải đề cao đạo đức nghề nghiệp. Công việc của họ là có trách nhiệm tạo ra một thế hệ công dân, lực lượng lao động cho tương lai. Nên xã hội đòi hỏi cao hơn đối với đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh những việc tốt thì vẫn còn những hạt sạn, vi phạm và có lệch chuẩn trong một nhóm đội ngũ giáo viên nhất định. Ngành giáo dục phải có giải pháp để tuyển dụng được những người phù hợp. 

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Bích

Tin nổi bật