Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH đề xuất Chính phủ xem xét có thể bỏ thi THPT, chỉ xét tuyển cấp bằng

(DS&PL) -

Xoay quanh dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), ĐBQH cho rằng trước mắt vẫn quy định thi THPT, nhưng về sau nghiên cứu tuỳ vào tình hình thực tế có thể bỏ thi.

Xoay quanh dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) được thảo luận tại nghị trường sáng ngày 21/5, ĐBQH cho rằng trước mắt vẫn quy định thi THPT, nhưng về sau nghiên cứu tuỳ vào tình hình thực tế có thể bỏ thi.

Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội tiếp tục làm việc, thảo luận tại hội trường về luật Giáo dục (sửa đổi). Dự thảo luật này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, chính vì vậy ngay trong buổi sáng đã có 38 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến của mình xoay quanh luật này.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 21/5.

Đề xuất bỏ thi THPT

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Vănhoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cũng trình bày những ý kiến liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

“Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi (Điều 34). Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật GDĐH và Luật giáo dục nghề nghiệp”, ông Phan Thanh Bình nói.

ĐBQH Phạm Văn Hoà tham gia góp ý, thảo luận về dự án luật Giáo dục (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Thời gian qua, tổ chức thi 1 trong 2 kết hợp xét tuyển kết quả học tập năm học trung học phổ thông đã xảy ra nhiều tiêu cực mà dư luận quan tâm. Kết quả thi tỷ lệ đạt rất cao, có địa phương đạt 99%. Thi thì phải có người trúng người trượt nhưng cách thi vừa qua phải xem lại có hợp lý hay không? Đáng kể trúng gần hết học sinh.  

Tôi thống nhất như dự thảo luật là thi trung học phổ thông nhưng đề xuất trong luật có khoản giao cho Chính phủ nghiên cứu thời gian sau tùy thực tế mà có thể bỏ thi trung học phổ thông, chỉ xét tuyển cấp bằng trung học phổ thông.  

Có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước cho kỳ thi này rất tốn kém mà chỉ tổ chức thi tuyển sinh đại học như trước kia nhằm tuyển học sinh có học lực khá, giỏi tham gia, những học sinh trung bình yêu cầu có thể học nghề hoặc lao động theo sở thích, cũng có thể tham gia thi tuyển nếu thấy có khả năng. Như vậy sẽ tiết kiệm tiền của xã hội nhất là những gia đình khó khăn và chất lượng đầu vào đại học được nâng lên”.  

Có thể dẫn đến “loạn” sách giáo khoa

Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cũng cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương; đề nghị quy định 1/2 thành viên Hội đồng thẩm định là giáo viên đang tham gia giảng dạy; quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa.

ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu tại hội trường.

Liên quan đến vấn đề này, tham gia thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ: “Trong thời gian qua, vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm từ việc quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, việc thực nghiệm sách giáo khoa đến việc độc quyền in ấn, xuất bản, phát hành, dự kiến tăng giá về sách giáo khoa.

Với thực tế đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hết sức cân nhắc trong tiếp thu, giải trình các quy định dự thảo luật về chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, những quy định như việc xuất bản sách giáo khoa tuân theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục  được lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng quy định này là quy định gì thì không rõ.

Đây là những điểm hạn chế của dự thảo luật có thể dẫn đến những trường hợp loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo.

Bên cạnh đó, việc quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương thì còn chung chung không rõ loại tài liệu giáo dục này là loại tài liệu giáo dục gì, thuộc lĩnh vực nào, có giá trị như sách giáo khoa không, có gì khác với sách tài liệu tham khảo không?

Vì vậy, tôi đề nghị phải có các quy định cụ thể, rõ ràng trong mục này về tiêu chí, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông quy định việc thực hiện một số nội dung phương pháp giáo dục trên cơ sở giáo dục phổ thông”.

ĐBQH Dương Minh Tuấn trăn trở nhiều vấn đề xoay quanh luật Giáo dục (sửa đổi).

Cùng với đó, ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng trăn trở: “Một vấn đề quan trọng không kém gì tổ chức, đó là Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Theo Điều 32 thì Hội đồng này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng thành lập. Sau đó, cũng điều này thì người phê duyệt sách giáo khoa sau khi Hội đồng thẩm định thông qua cũng chính là Bộ trưởng. Tôi cho như vậy không lôgic, vì trong điều kiện một chương trình nhiều sách giáo khoa là hết sức quan trọng.

Tôi đề nghị Chính phủ thực hiện một trong hai vai này. Một là thành lập Hội đồng hoặc nếu không thành lập Hội đồng thì Chính phủ phải quyết định phê duyệt vấn đề sách giáo khoa sau khi Hội đồng thông qua. Nếu giao hết Bộ trưởng thì có gì đó cần khách quan trong vấn đề lớn này. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung này”.

Nhóm PV Quốc hội


Tin nổi bật