Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An: Vụ gian lận thi cử ở Sơn La "phá tan niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục"

(DS&PL) -

Vụ gian lận thi cử ở Sơn La tiếp tục gây rúng động dư luận khi Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến khai, “giá” sửa điểm là 1 tỷ đồng/thí sinh.

Vụ gian lận thi cử ở Sơn La tiếp tục gây rúng động dư luận khi Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến khai, “giá” sửa điểm là 1 tỷ đồng/thí sinh. Nguyên ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ sự ngỡ ngàng của mình trước giá tiền nâng điểm này.

Vụ gian lận thi cử ở các tỉnh Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La đã từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Khi người dân cả nước đều đang mong chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra thì ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn Ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của 2 cựu cán bộ công an tỉnh...

Kết quả điều tra giai đoạn 1 cho thấy bị can Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc sở GD&ĐT đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số đó, có 8 trường hợp do chính Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La “gửi gắm”.

Vị này nói: “Khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn 2 của vụ án cũng bắt đầu mở ra”.

Ông Hoàng Tiến Đức (bên phải), Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Trước thông tin gây rúng động này, sáng ngày 26/5 phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích của nguyên ĐBQH Bùi Thị An.

Thưa bà, VKSND tỉnh Sơn La mới đây cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, có 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà đánh giá như thế nào về diễn biến của quá trình điều tra gian lận thi cử?

Trước hết, phải nói rằng tôi hoan nghênh việc dần dần cơ quan điều tra đã tìm được gần đến nguyên nhân cuối cùng, nguyên nhân thực của vụ việc gian lận thi cử.

Nếu như trước đây, thông tin cứ mờ mờ ảo ảo, chưa có bằng chứng cụ thể thì bây giờ đã lộ dần những bằng chứng, để thấy rằng việc nâng điểm này là một vụ việc kinh khủng, chưa kể đến chuyện tiền nong nhưng làm đồi bại đến cùng phẩm cách trong ngành giáo dục.

Theo lời của bị can Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra rằng ông được chính Giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. Trả lời báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”. Vậy, theo bà nếu xác định có liên quan thì giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La sẽ xử lý thế nào?

Trả lời báo chí, Giám đốc sở vẫn chối là không nhờ, tôi hy vọng trong giai đoạn 2 cơ quan điều tra làm sao có đầy đủ bằng chứng để buộc tội những người đã dính líu đến chuyện này.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng bỏ 1 tỷ ra mua điểm rõ ràng là có ý đồ. 

Trách nhiệm của ngành giáo dục cũng như của các bậc phụ huynh ở đâu, thưa bà?

Trong chuyện này, trách nhiệm trước hết là của ngành giáo dục, đầu tiên phải nói đến quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương. Rõ ràng, địa phương có hai phần phải chịu trách nhiệm: Một là sở GD&ĐT ngành dọc, hai là lãnh đạo tỉnh. Nên tôi đề nghị chuyện này phải làm đến cùng, làm rõ, làm càng nhanh càng tốt và đề nghị Chính phủ chỉ đạo.

Vậy theo bà, vụ việc này có thể sẽ gây ra những hệ luỵ như thế nào cho thế hệ tương lai của đất nước nếu như không được phát hiện, đưa ra ánh sáng?

Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề nâng điểm, mà đây là vụ án rất lớn, vừa tham nhũng, hối lộ đưa hối lộ, vừa liên quan đến chuyện phá tan niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục.

Khi bỏ số tiền 1 tỷ ra thì đây cũng không phải số tiền nhỏ, như vậy có thể thấy họ có ý đồ hẳn hoi đó là ý đồ sắp đặt từng bước một cho con họ đi, để trèo vào những vị trí cao chẳng hạn. Và khi điểm số đã được mua bằng tiền rồi thì những người như vậy khi học xong, ra đời có thể làm được gì cho xã hội, cho đất nước? Đây là một điều rất nguy hiểm.

Theo đại diện VKSND tỉnh Sơn La, khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn 2 của vụ án cũng bắt đầu mở ra, vậy bà có kỳ vọng gì ở giai đoạn 2 này?

Tôi nghĩ rằng, vụ việc chưa dừng lại ở đó, cho nên tôi đề nghị cần phải rà soát tiếp và cần phải có đầy đủ kết luận, bằng chứng của những người có liên quan đến chuyện gian lận này.

Đồng thời, điều tra một cách nghiêm minh không bỏ lọt tội phạm, thể hiện đúng mức độ nghiêm trọng của nó. Thể hiện ở giá tiền mua điểm và thể hiện ở cả việc những người này làm phá tan nền giáo dục, làm mất hết lòng tin của nhân dân, phụ huynh, học sinh.

Xin cảm ơn bà!

Nhanh chóng đưa ra xét xử

Cũng trao đổi thêm với phóng viên báo Người Đưa Tin, ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh: “Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, tôi kỳ vọng giai đoạn 2 sớm kết thúc và nhanh chóng đưa ra xét xử những đối tượng có hành vi sai phạm”.

Thanh Lam

Người Đưa Tin

Tin nổi bật