Hậu quả nặng nề của thẩm mỹ “chui” đã hiện hữu nhiều trên thực tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh việc xử lý nghiêm, có chế tài đủ sức răn đe đối với các cơ sở thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng thì cũng cần sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong nhận diện, phân loại cơ sở để kịp thời ngăn chặn thẩm mỹ “chui” len lỏi vào đời sống dân sinh.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện để phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đi vào hoạt động được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh là phải bảo đảm điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Quy định rất chặt chẽ là vậy, tuy nhiên, dịch vụ thẩm mỹ viện, spa hiện nay mọc lên “như nấm sau mưa”, nhiều nơi vì lợi nhuận đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng, thực hiện các kỹ thuật tiêm, phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. PV Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh xung quanh thực trạng này.
ĐS&PL: Thưa đại biểu, hậu quả của việc làm đẹp ở những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa “chui” là rất khủng khiếp. Trên thực tế, nhiều người đã phải trả giá bằng tính mạng khi tiêm si-li-côn nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng, nhưng vẫn có nạn nhân đi theo “vết xe đổ” đó. Bà đánh giá thế nào trước vấn nạn thẩm mỹ “chui” hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Thẩm mỹ “chui” không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trong khu vực. Đây là một thực trạng xấu, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành thẩm mỹ, ảnh hưởng tới các bác sĩ chân chính, được đào tạo bài bản.
Dịch vụ không đảm bảo chất lượng còn dẫn đến các tranh chấp, khiếu nại, gây mất trật tự xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người sử dụng các dịch vụ.
Chủ các cơ sở thẩm mỹ làm bất chấp vì lợi nhuận. Bản thân người sử dụng dịch vụ có thể thiếu hiểu biết về cơ sở thẩm mỹ nên chọn nhầm các cơ sở kém chất lượng. Nhiều khi, chính tâm lý “ham rẻ” cũng khiến người sử dụng dịch vụ chọn các cơ sở không đủ uy tín.
ĐS&PL: Có ý kiến cho rằng, sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành hiện nay còn thiếu nhịp nhàng đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến các cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn hoặc quảng cáo quá phạm vi chuyên môn gây ra những sợ cố và hệ lụy cho khách hàng. Ý kiến của bà thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Công tác quản lý còn tồn tại các “lỗ hổng” khiến các vấn nạn hành nghề “chui” vẫn tiếp diễn. Sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành đã tạo ra kẽ hở, khiến các cơ sở hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép.
Hoạt động quảng cáo chưa được kiểm soát sát sao nên các quảng cáo nêu không đúng các hoạt động mà cơ sở thẩm mỹ được cấp phép vẫn rầm rộ, ồ ạt. Từ đó gây hiểu nhầm, khiến khách hàng sử dụng phải những dịch vụ chưa được thẩm định đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Các chế tài xử phạt còn chưa triệt để, đa phần mới dừng lại ở xử lý hành chính khiến các cơ sở vi phạm vẫn tràn lan.
Thẩm mỹ “chui” gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới khách hàng. Ảnh chỉ có tính minh họa.
ĐS&PL: Vậy theo bà, giải pháp để ngăn chặn thẩm mỹ “chui” hoạt động một cách hiệu quả nhất?
ĐBQH Nguyễn Thị Hà: Theo tôi cần tăng cường công tác quản lý, rà soát, thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên ngành. Đặc biệt, các cơ quan quản lý ở địa phương cần tăng cường quan lý đối với các cơ sở trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở sai phạm. Xử lý nghiêm, có chế tài đủ sức răn đe đối với các cơ sở không đủ tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng; các bác sĩ vi phạm tiêu chuẩn hành nghề.
Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nhận diện, phân loại để phát hiện các quảng cáo của các cơ sở hoạt động không đúng chức năng được cấp phép.
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn và sử dụng các dịch vụ tại các cơ sở thẩm mỹ có uy tín để tránh các rủi ro nguy hại đến sức khỏe và tinh thần.
ĐS&PL: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Nói về vấn đề quảng cáo tràn lan các công nghệ thẩm mỹ hiện nay, TS.BS Lê Tuấn, nguyên bác sĩ Khoa Da liễu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Laser màu là lựa chọn vàng trong điều trị các bệnh lý về mạch máu, trong đó có giãn mao mạch, tĩnh mạch. Tuy nhiên, đây là máy móc công nghệ cao, rất đắt tiền, điều trị phải là người có chuyên môn rất sâu và được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Tôi nghĩ rằng các spa thông thường không đủ trình độ để thực hiện. Người dân cần hết sức cảnh giác trước những quảng cáo “trên trời” kiểu này, tránh tiền mất mà bệnh thì vẫn nguyên, thậm chí lại phải nhập viện vì điều trị sai cách”.