Trả lời câu hỏi của ĐBQH đoàn Hậu Giang Nguyễn Thanh Thuỷ về ý kiến nên xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt để giảm thiểu ách tắc, Bộ trưởng bộ GTVT đã ngay lập tức mời Hậu Giang là địa phương thí điểm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Chiều 15/8, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện lời hứa đã đưa ra từ đầu nhiệm kỳ.
Vấn đề tiết kiệm ngân sách từ việc sử dụng xe công được ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn Hậu Giang) vô cùng quan tâm. Đại biểu Thủy đặt chất vấn tới Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: “Để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành và có thông tin cho rằng nên xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt, đề nghị Bộ trưởng bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này hay không?".
"Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Và giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?”, bà Thủy tiếp tục đưa ra câu hỏi.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Thể đã ngay lập tức trả lời bằng cách mời tỉnh Hậu Giang thí điểm đầu tiên: “Chúng tôi nghĩ, đề xuất này cũng là một trong các đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm”.
“Sau khi thí điểm đề xuất này ở Hậu Giang mà tốt thì chúng tôi sẽ nghiên cứu và nhân rộng ra. Chứ hiện tại chúng ta chưa thể nào áp dụng đại trà được. Chúng tôi hết sức trân trọng cảm ơn ý kiến của đại biểu Thủy”, Bộ trưởng Thể nói.
Cũng tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) gửi câu hỏi đến Tư lệnh ngành giao thông câu hỏi về đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đường cao tốc Cao Lãnh – Rạch Giá với bất cập đầu tư chưa có liên thông với nhau: "Bộ trưởng có suy nghĩ gì về trách nhiệm của ngành công tác tham mưu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đối với khu vực này, khi nào thì các khu vực này được kết nối liên thông với nhau, góp phần phát triển kinh tế vùng?”.
Trả lời chất vấn trên, ông Nguyễn Văn Thể cho hay hiện nay các đơn vị đang khẩn trương thực hiện việc này. Trước tiên là đoạn từ Cao Lãnh đến Vàm Cống đã thông. Đoạn từ Vàm Cống đến Rạch Giá thì khoảng quý I/2020 sẽ xong.
“Chúng tôi cũng thống nhất với các địa phương, các nhà tài trợ sẽ nâng cấp tuyến đường này lên thành tuyến đường cao tốc bởi hiện nay tuyến đường này được 4 làn xe, có dải phân cách ở giữa. Chúng tôi hỗ trợ thêm một số hạng mục để đoạn đường này thành đường cao tốc. Chúng tôi quyết tâm năm 2020 sẽ hoàn thành xong”, Bộ trưởng bộ GTVT nói.
Vị tư lệnh ngành giao thông cho hay, có một bất cập mà đại biểu đặt ra đó là sau khi xong tuyến đường này thì tuyến đường từ Trung Lương tới Mỹ Thuận cuối 2020, đầu 2021 cũng cơ bản xong. Và 2 tuyến đường này cần có 1 tuyến đường để kết nối để đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Kiên Giang là hoàn toàn đi bằng đường cao tốc.
Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp, các địa phương có liên quan như Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc nối từ cầu Cao Lãnh theo hình thức PPP với yêu cầu là các địa phương bỏ ra hơn 1000 tỷ để giải phóng mặt bằng. Phần còn lại khoảng 3000 tỷ chúng tôi thu xếp từ các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư. Bộ GTVT cũng đang tập trung để làm sao kết nối các tuyến đường lại, để trong thời gian nhanh nhất chúng ta có thể đi từ thành phố Hồ Chí Minh tới Kiên Giang trên hệ thống đường cao tốc”.
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin