Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị Chính phủ trả lời về Grab, Uber

(DS&PL) -

Trước việc xe Grab, Uber hoạt động thiếu công bằng, thiếu minh bạch và gây thất thu thuế, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc vừa gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ...

Trước việc xe Grab, Uber hoạt động thiếu công bằng, thiếu minh bạch và gây thất thu thuế, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc vừa gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber.

Thí điểm càng lâu, hậu quả càng lớn

Ngoài những ý kiến của đại biểu quốc hội (ĐBQH) lo ngại về hoạt động của xe Grab, Uber tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vừa qua, thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc còn gửi đến lãnh đạo Chính phủ nội dung chất vấn về xe Grab, Uber.

Xe Grab không logo, không phù hiệu hoạt động tại Láng Hạ - phố cấm theo giờ. Ảnh: Anh Trọng.

Báo Tiền Phong xin trích nguyên văn: “Kính thưa lãnh đạo Chính phủ! Tôi xin đặt câu hỏi về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab, Uber. Tôi không đề cập tới phương thức kinh doanh hay những xung đột lợi ích với các hãng xe taxi truyền thống. Tôi chỉ bàn về chủ trương cho phép thử nghiệm của chính phủ dưới góc độ quản lý nhà nước. Chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay xe hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (con số Grab, Uber khó kiểm soát vì nó “tàng hình” khó biết con số cụ thể nhưng chắc  chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động). Từ đó nẩy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.

Nhưng điều đáng lo hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận cho hoạt động chính thức thì cả hai đều đi đến những hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, nếu chấp nhận, thì đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt. Nếu không chấp nhận thì chủ hãng ở nước ngoài kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động. Lý thuyết quảng cáo xe tham gia Grab, Uber là xe nhàn rỗi nhưng thực tế có biết bao nhiêu người sắm xe hy vọng hành nghề thì nay lỡ dở họ sẽ dồn trách nhiệm cho nhà nước. Do vậy càng thử nghiệm lâu thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn và khi đó trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông và Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực giao thông quan trọng này ngày càng bế tắc. Tóm lại, vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là: Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước?”.

Chính phủ sẽ phản hồi trong vòng 20 ngày

Trao đổi với PV Tiền Phong về kết quả chất vấn nội dung trên, cuối tuần qua ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, kết thúc Kỳ họp lần thứ 3 (21/6) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển chất vấn của ông đến lãnh đạo Chính phủ. Thời gian Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản các vấn đề trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết là 20 ngày.

Tại văn bản số 1850/TTg-KTN về việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ GTVT triển khai thí điểm xe công nghệ Grab, Uber (Đề án 24) trong vòng 2 năm đã đặc biệt lưu ý các nội dung. Cụ thể, Bộ GTVT nghiên cứu tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp triển khai. “Đảm bảo quản lý chặt chẽ thí điểm, đặc biệt là công tác quản lý thuế; trong đó lưu ý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” - lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh. Tuy nhiên sau một năm rưỡi Bộ GTVT triển khai Đề án 24, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hoạt động của nhiều xe Grab, Uber đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Thứ nhất, hoạt động bất bình đẳng vì không tuân thủ các quy định về tổ chức giao thông, kiểm soát phương tiện tại các thành phố. Thứ hai, nhà nước bị thất thu thuế khi có khoảng 80% doanh thu (lái xe được hưởng) không thực hiện đóng thuế. Thứ ba, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhà nước quản lý về mọi mặt, nhưng việc tăng giảm cước của xe Grab, Uber hiện nay là tự do.

“Tất cả các nội dung này đều đã được nhiều thành viên các Hiệp hội vận tải và các bộ ngành, địa phương lưu ý khi Bộ GTVT lấy ý kiến triển khai Đề án 24, tuy nhiên các bất hợp lý trong hoạt động của xe Grab, Uber vẫn diễn ra”, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Anh Trọng

Tin nổi bật