Theo Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã, phí đường bộ chưa nằm trong danh mục chuyển sang giá dịch vụ; còn nếu muốn chuyển sang giá thì phải có cơ sở pháp lý.
Việc bộ Giao thông Vận tải chuyển tên gọi các “trạm thu phí đường bộ” thành “trạm thu giá đường bộ” (với các dự án BOT) đang được dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Xung quanh vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về việc bộ Giao thông Vận tải chuyển tên gọi các “trạm thu phí đường bộ” thành “trạm thu giá đường bộ”?
Đại biểu Đinh Văn Nhã: Theo luật Phí và Lệ phí mới có hiệu lực thì có khoảng gần 20 khoản trước đây gọi là phí đã được chuyển sang gọi là giá dịch vụ.
Trong đó, phí đường bộ chưa nằm trong danh mục chuyển sang giá dịch vụ. Còn chuyện định thay, gọi đó là giá dịch vụ hoặc là giá sử dụng đường bộ thì phải được Quốc hội cho phép.
Quan điểm của ông về sự thay đổi tên gọi này?
Đại biểu Đinh Văn Nhã: Theo xu hướng chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, đường bộ cũng là một hình thức từ trước đến nay Nhà nước đầu tư là chính để phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đầu tư cho đường bộ rất lớn nên những năm gần đây mới xuất hiện dự án đường BOT. Các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác tham gia bỏ tiền vào đầu tư gọi là BOT hoặc BT. Đấy là hình thức xã hội hóa. Khi xã hội hóa thì đòi hỏi phải có cơ chế để cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bỏ tiền vào, ít nhất cũng phải hoàn lại vốn. Vì phần lớn các doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng, lãi suất rất cao, họ cũng có nhu cầu hoàn vốn.
Hiện nay, phí đường bộ 1 năm Nhà nước thu chỉ đáp ứng được khoảng 35 – 40% nhu cầu để duy tu bảo dưỡng đường trong phạm vi cả nước. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm mới đủ cơ sở vật chất, nguồn lực để cho các địa phương, bộ ngành thực hiện duy tu bảo dưỡng đường bộ.
Thực tế, nhu cầu duy tu bảo dưỡng rất lớn, không đáp ứng được. Cho nên, chuyện chuyển từ phí sử dụng đường bộ như hiện nay sang giá là một xu hướng phù hợp với quá trình xã hội hóa mà chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, bây giờ luật Phí và Lệ phí thì chưa quy định gọi cái này là giá sử dụng đường bộ. Trong 1 số luật chuyên ngành, kể cả trong luật Đường bộ cũng không có, vẫn gọi là phí đường bộ.
Nếu muốn chuyển sang giá, cần thiết phải có sự điều chỉnh của các cơ quan thẩm quyền cho phép, ít nhất phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục.
Khi đó mới có căn cứ pháp lý để chuyển từ phí sang giá. Đấy là xu hướng dịch chuyển.
Hiện nay, một số lĩnh vực khác mà trước đây ta gọi là phí nhưng đã có sự chuyển sang gọi là giá và người dân cũng dần dần quen. Ví dụ, vấn đề có tác động đến hàng triệu người là viện phí. Trước đây ta vẫn gọi là viện phí, mức thu ít, nhưng 4 - 5 năm nay, trong luật Khám chữa bệnh đã sử dụng khái niệm chi phí khám chữa bệnh, hay nó chính là giá khám chữa bệnh, chứ không gọi là viện phí nữa.
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc nếu là “giá” thì sẽ cao hơn “phí” và sẽ bất lợi cho người dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đại biểu Đinh Văn Nhã: Về nguyên tắc, giá sẽ cao hơn phí vì nó phải đảm bảo lợi ích. Trước mắt là lợi ích của nhà đầu tư để hoàn lại chi phí đầu tư xây dựng đường, trả lãi vay ngân hàng và lợi nhuận hợp lý để hoạt động. Rồi Nhà nước và người dân cũng có lợi ích trong đó…
Tuy nhiên, không phải cứ chuyển sang gọi là giá sử dụng đường bộ là doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quyết định mức thu bao nhiêu, vẫn phải có sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước sẽ quyết định cho doanh nghiệp thu ở mức bao nhiêu cho hợp lý. Nó sẽ có 1 khung, trong đó có mức trần, chứ không thể thả nổi được.
Hiện nay, hầu hết các trạm BOT đã giảm giá đáng kể, tối thiểu từ 15 - 20%. Nếu có chuyển sang gọi ở một khái niệm mới thì nên giữ ở mức thu phí như hiện nay. Nó cũng rất phù hợp với mức điều chỉnh của gần 20 loại dịch vụ mà trước đây gọi là phí và bây giờ Chính phủ điều chỉnh sang dưới hình thức giá dịch vụ. Dù thay đổi về tên gọi nhưng hầu hết mức thu của 20 khoản này vẫn như mức phí hiện hành.
Ta thay đổi thì nên thay đổi tên để người dân quen, còn mức thu thì nên giữ nguyên là hợp lý. Để người dân hiểu rằng, đó không phải là phí nữa mà là giá sử dụng dịch vụ và giá đó có sự điều tiết của Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hường/ Người đưa tin