Nhiều địa phương đã đề xuất, khi đặt trạm BOT cần phải lấy ý kiến người dân trong phạm vi bán kính 5km-10km xung quanh vị trí dự kiến đặt trạm, không phân biệt địa giới hành chính.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (BOT). Trong đó, có nội dung bỏ việc lấy ý kiến người dân khi đặt trạm BOT, bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều địa phương đã đề xuất những ý kiến khác nhau. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung quy định trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án đầu tư mới và phù hợp với quy hoạch đường, được bộ GTVT quyết định thành lập trạm thu giá (đối với quốc lộ). Ngoài ra, phải được UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định thành lập trạm thu giá (đối với đường địa phương).
Vị trí trạm phải được sự thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội, hiệp hội Vận tải ô tô). Đồng thời, phải được sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong phạm vi bán kính 5km-10km xung quanh vị trí dự kiến đặt trạm, không phân biệt địa giới hành chính.
Vì sao không lấy ý kiến người dân khi đặt trạm BOT là điều dư luận rất băn khoăn. |
Còn theo sở GTVT An Giang đề xuất: Đối với đường quốc lộ, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu giá của Bộ trưởng bộ GTVT. Trong đó, vị trí đặt trạm thu giá phải phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương tại nơi đặt trạm thu giá cũng như cơ quan địa phương liền kề nơi đặt trạm thu giá (HĐND, UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội, hiệp hội Vận tải ô tô). Đồng thời, phải lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương.
Đối với đường địa phương, trạm thu giá phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do UBND báo cáo HĐND cùng cấp quyết định.
Trong khi đó, UBND TP.Hải Phòng cho rằng, vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội, hiệp hội Vận tải ô tô). Đồng thời, phải lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương. Vị trí đặt trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do UBND báo cáo HĐND cùng cấp quyết định.
Trước những ý kiến của các địa phương, đại diện bộ KH&ĐT lại cho rằng, việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về vị trí đặt trạm thu giá sẽ ảnh hưởng tiến độ phê duyệt dự án và đề nghị quy định rõ việc lấy ý kiến được thực hiện trong giai đoạn nào của dự án. Đồng thời, quy định rõ cách thức triển khai thực hiện công tác lấy ý kiến tham gia của người dân nhằm tránh việc lấy ý kiến mang tính hình thức.
Trong khi đó, đại diện vụ Pháp chế (bộ GTVT) nhận định: Cần xem xét lại tính khả thi của quy định lấy ý kiến người dân và cho rằng, cân nhắc quy định này vì đã quy định lấy ý kiến của HĐND, đoàn Đại biểu Quốc hội, là những cơ quan do dân bầu, đại diện cho nhân dân địa phương.
Liên quan tới quy định khoảng cách tối thiểu 70km, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, người dân phản ứng với một số dự án BOT không hẳn vì khoảng cách giữa các trạm. Chủ yếu là vì làm BOT trên đường độc đạo, cải tạo đường cũ rồi thu phí kiểu cào bằng, dân không có quyền lựa chọn thậm chí không sử dụng dịch vụ cũng đóng phí. Vì thế, nếu làm đường mới hoàn toàn như cao tốc Bắc-Nam, người dân có sự lựa chọn thì vấn đề khoảng cách quy định cứng là bao nhiêu không quan trọng.
Thế Anh/Người Đưa Tin