Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: Cơ quan chức năng nếu muộn trả hoàn thuế cũng phải chịu phạt

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

ĐBQH cho rằng, cần phải sòng phẳng về trách nhiệm trong pháp luật. Doanh nghiệp chậm nộp thuế bị phạt, khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế cũng phải chịu trách nhiệm.

Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên quan đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất GTGT, từ 10% xuống còn 8%, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm đặc thù). Thời gian áp dụng kéo dài từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

Chính sách này nhằm thể chế hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm nay, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. 

Về nguyên tắc, dự thảo nghị quyết đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng).

Góp ý về thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và trách nhiệm của cơ quan thu/hoàn thuế giá trị gia tăng, VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho biết: "Theo tổng hợp ý kiến, hiện có ba ý kiến khác nhau về thời gian giảm thuế VAT là: giảm đến hết năm 2025, tức 6 tháng còn lại; giảm đến 31/12/2026 (tức 1,5 năm); giảm 2 năm. Tôi đồng tình giảm hết đến 31/12/2026. Lý do là nếu giảm thuế VAT đến 31/12/2026, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ có định hướng chiến lược và quyết sách trên cơ sở thuế này, như vậy có tác dụng tốt hơn".

Đại biểu Thân cũng đề nghị Quốc hội bổ sung vào nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu thuế VAT và cơ quan hoàn thuế giá trị gia tăng: "Hiện nay, vấn đề này đang rất bức xúc trong trong doanh nghiệp. Bởi vì lúc thu thì rất dễ, nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó".

Đại biểu Thân cho rằng, cần phải sòng phẳng về trách nhiệm trong pháp luật. Khi doanh nghiệp chậm nộp thuế VAT thì bị phạt. Vậy cơ quan chức năng Nhà nước, nếu muộn trả hoàn thuế thì cũng phải chịu trách nhiệm tương tự.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhận định thuế giá trị gia tăng tác động tới tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng nên giảm thuế tác động “ngay và luôn” tới toàn xã hội.

“Khi giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng được hưởng lợi ngay do giảm được giá mua hàng hóa, dịch vụ. Việc mở rộng đối tượng giảm thuế với nhóm đối tượng là những hàng hóa, nguyên liệu dùng trong quá trình sản xuất cũng giúp chi phí sản xuất giảm, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm nên người tiêu dùng được lợi ngay khi mua, còn doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh, mở rộng hoạt động”, Dân trí dẫn lời nữ đại biểu phân tích.

Với 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế, bà Thu cho rằng nếu tính toán chênh lệch thu 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ này không quá lớn, nên có thể cân nhắc giảm thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tính công bằng cho đối tượng chịu thuế và người nộp thuế.

Báo cáo giải trình nêu lý do không giảm thuế cho sản phẩm thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm do những dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế VAT và đều có mức tăng trưởng tốt.

Nhưng với hoạt động tín dụng, nữ đại biểu góp ý nên giảm thuế xuống 8% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 39.500 tỷ đồng và khoảng 82.200 tỷ đồng trong năm 2026. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là sự đánh đổi cần thiết để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và phục hồi kinh tế.

“Việc giảm thuế GTGT đương nhiên sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ, Bộ Tài chính cũng sẽ có chính sách tài khoá phù hợp để bù đắp cho việc hụt thu này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh. 

Liên quan đề xuất mở rộng giảm thuế cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, lĩnh vực này không nằm trong nhóm hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh trong dự thảo nghị quyết. 

Về vấn đề hoàn thuế chậm, người đứng đầu ngành tài chính cho biết sẽ ghi nhận và yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thuế sớm nhất có thể cho doanh nghiệp.

Tin nổi bật