ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đã thẳng thắn nhìn nhận tham nhũng chính sách là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đã thẳng thắn nhìn nhận tham nhũng chính sách là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Ảnh phiên làm việc của Quốc hội tại hội trường sáng 26/3. |
Hiểm họa của cái gọi là tham nhũng chính sách
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vừa tiến hành phiên thảo luận về một số những báo cáo quan trọng, trong đó có dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.
Cho ý kiến vào nội dung này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã làm tròn trách nhiệm với nhân dân. Tuy nhiên, theo bà, tại thời khắc cuối nhiệm kỳ, có lẽ mỗi ĐBQH đều còn những băn khoăn, trăn trở.
Bà Lưu Mai cũng bày tỏ suy nghĩ của mình trong tâm trạng chung ấy ở hai vấn đề. Thứ nhất là về chất lượng các đạo luật được thông qua và về khái niệm tham nhũng chính sách.
“Dù ở đâu, những người đã từng là ĐBQH sẽ luôn cố gắng làm tròn bổn phận vì niềm tin tưởng của người dân”.
Bà cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên nếu như rà soát thật kỹ và đặt trong quan hệ với tổ chức thực hiện thì có thể thấy, có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
“Có thể hiểu, tham nhũng chính sách là cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, vị ĐBQH đoàn TP.Hà Nội nhấn mạnh.
Minh chứng cho điều này, bà lấy ví dụ về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả thì hiện nay trên thực tế, hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua thì vẫn còn đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, theo bà Mai, đó là các quy định liên quan đến quản lý đất đai bao gồm đền bù, giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.
Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là tham nhũng chính sách, bà Mai cho rằng, cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật.
Cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, là những chủ thể chịu tác động trực tiếp của chính sách. Nâng cao hoạt động thẩm tra, cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện.
Đề cao chất lượng giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân.
Sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.
Nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần
Đề cập đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đánh giá đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, là thước đo trong đánh giá cán bộ và là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng thêm một lần và cũng là nơi đòi hỏi các vị ĐBQH tinh thần thẳng thắn, dám đấu tranh, công bằng. Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khóa XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực và những đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.
“Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, người dân hỏi rằng ông bà có thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn, lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế.
Tôi nghĩ rằng tới đây, nên chăng có thể đánh giá việc tổ chức thực hiện và quan tâm đến 2 khía cạnh. Thứ nhất là việc để các mức lấy phiếu tín nhiệm. Hiện nay đang để 3 mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá.
Việc để 3 mức như vậy khó lượng hóa, khó so sánh trong đánh giá kết quả giữa những người được lấy phiếu xin ý kiến. Số lần lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Tuy nhiên, để đánh giá được những cố gắng của người được lấy phiếu tín nhiệm thì nên chăng thực hiện 2 lần trong nhiệm kỳ” bà Mai nêu ý kiến.
Bà Mai nhìn nhận, hoạt động của Quốc hội giống như đi trên một con đường mà không có điểm kết thúc bởi cuộc sống luôn là sự tiếp nối, thế hệ đại biểu sau sẽ nối tiếp thế hệ đại biểu trước. Điều đó cho thấy yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để đáp ứng sự mong mỏi của người dân là yêu cầu bắt buộc.
Dương Thu
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ Năm (49)