Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp dè chừng... “vòi bạch tuộc”!?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Quyết liệt cổ phần hoá các DNNN là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần phải thận trọng, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu những hệ lụy xấu có thể xảy ra.

(ĐSPL) - Quyết liệt cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần phải thận trọng, từng bước tránh tình trạng làm theo phong trào, và cần có sự tham gia chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình này nhằm giảm thiểu những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
Mấy ngày qua, câu chuyện Chính phủ đôn đốc tiến độ cổ phần hoá ở các doanh nghiệp và theo kế hoạch, số đơn vị được cổ phần hóa trong vòng 2 năm tới sẽ không dừng lại ở con số 423 doanh nghiệp. Thậm chí, để thực hiện nghiêm mục tiêu trên, nhiều lãnh đạo tổng công ty, tập đoàn đứng trước nguy cơ bị chuyển công việc thậm chí cho nghỉ việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hoá ở doanh nghiệp mình.
Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia kinh tế, các chính khách đã cho rằng cần thiết phải thận trọng, từng bước không thể làm theo phong trào. Và, đề nghị Đảng, Quốc hội cần phải tham gia chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình này nhằm giảm thiểu những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
Đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp dè chừng... “vòi bạch tuộc”!?
“Mảnh đất” dễ phát sinh tham nhũng?
Việc đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được xem là một xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là một hướng đi tích cực để đẩy mạnh công cuộc cải cách của DNNN và đẩy mạnh cổ phần hóa. Liên quan đến việc cổ phần hoá hơn 400 doanh nghiệp thời gian tới, nhiều chuyên gia khi được hỏi, đều bày tỏ lo ngại nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước, nếu quá trình này không được giám sát chặt chẽ. Bởi, trước nay vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp luôn được xem là “nóng” đặc biệt là khâu định giá tài sản doanh nghiệp. Vì đây là nơi dễ dẫn đến sai sót và “mảnh đất” của tham nhũng hoành hành. Những chiêu trò như định giá không đúng với giá trị thực, cố tình biển thủ tài sản không thống kê vào giá trị doanh nghiệp, cố tình định giá bất động sản thấp, chuyển nhượng cổ phần ưu đãi sai đối tượng đã gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước từng xôn xao dư luận. Vì vậy, một lúc tiến hành cổ phần hoá lên tới hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn có vốn sở hữu nhà Nước lên đến trên 10 tỷ USD thì vấn đề tham nhũng trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp thời gian tới rất khó để kiểm soát nếu không có một cách làm đồng bộ.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tỏ ra lo lắng, bởi hệ thống pháp lý trong vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp chưa hoàn thiện. Việc để một mình Chính phủ làm là khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Khiếm khuyết lớn nhất trong vấn đề chỉ đạo hiện nay là chúng ta mới chỉ tiến hành chủ trương đó trên Nghị quyết chung của Đảng, trên Nghị quyết của Quốc hội, để Chính phủ triển khai bằng Nghị định của Chính phủ. Trong khi đó, Nghị định chỉ đề cập đến một số vấn đề chứ không xem xét toàn diện vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp trong tổng thể hoá vấn đề đổi mới DNNN. Chúng ta có chỉ đạo nhưng chưa thực sự trở thành một sức mạnh tổng hợp trong quá trình chỉ đạo vấn đề này. Rồi chúng ta giao cụ thể cho các Bộ, các doanh nghiệp, các tập đoàn tự tiến hành, như vậy, rõ ràng đơn độc, đơn chiếc và nảy sinh tâm lý tự ý, tự quyền,  ông Vũ Mão nhận định.
Chính vì vậy, một lúc đồng loạt tiến hành cổ phần hoá như thời điểm hiện nay đang đặt ra câu hỏi, liệu Chính phủ có hoàn thành được nhiệm vụ của mình, đặc biệt những khâu dễ xảy ra thất thoát tài sản. Ông Vũ Mão phân tích: “Rõ ràng giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này hiện nay chưa đầy đủ. Ví dụ như việc đánh giá giá trị doanh nghiệp như thế nào, ai đánh giá? Nếu Bộ nào đánh giá doanh nghiệp của Bộ đó thì không khách quan. Hoặc nếu, bộ Tài chính đánh giá chung những việc đó thì bộ Tài chính không đủ sức”.
Một chuyên gia kinh tế xin được ẩn tên rất bức xúc trước việc những Tổng công ty, DNNN lớn được tự định giá về tài sản khi cổ phần. Vị chuyên gia này cho rằng, một công trình quan trọng của quốc gia tầm 1 tỷ đô la, Quốc hội đã xem xét, tại sao cổ phần hoá doanh nghiệp nhiều tỷ đô thì Quốc hội không xem xét, không ra Nghị quyết. Công trình quan trọng đụng chạm đến cơ chế, chính sách đặc biệt, thì ở đây cần phải có cơ chế chính sách rất đặc biệt thì mới giải quyết được cổ phần hoá DNNN lớn mà trước đó họ hoạt động độc quyền, được Nhà nước bao cấp. Không chỉ thế, chủ trương này còn đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi, đời sống của hàng trăm nghìn lao động, do đó không thể công ty, hay bộ chủ quản có thể giải quyết được. Xét về mọi khía cạnh thì vấn đề này nó vượt tầm của một tổng công ty, một Bộ mà phải được Quốc hội bàn bạc thông qua. Có chuyên gia ví von rằng, một trụ nổi còn gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng nhà nước vậy, liệu cổ phần hoá Tổng công ty Hàng không, bộ Giao thông có đủ sức để giám sát!?”
Làm sao để giám sát hiệu quả?
Cũng liên quan đến việc Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp, thậm chí tinh thần đang đẩy lên rất cao khi bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tuyên bố việc các doanh nghiệp tự mình làm, ai không làm được sẽ bị kỷ luật. Ông Vũ Mão nhận định, bản thân những Giám đốc doanh nghiệp có khó khăn tự họ không thể làm được. Với tinh thần trên thì rất nhiều người bị kỷ luật, nhưng không giải quyết được vấn đề. Bởi khiếm khuyết lớn nhất hiện nay chính là bộ máy tổ chức thực hiện việc cổ phần hoá DNNN không ổn, không có một cơ quan chung về vấn đề này. Đặc biệt, là công tác giám sát của Quốc hội không có.
Việc làm sao để hạn chế sai phạm, tránh thất thoát tài sản Nhà nước và đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, theo ông Vũ Mão cần thiết trước mắt, Đảng phải ra một Nghị quyết chuyên đề về vấn đề cổ phần hoá. Quốc hội cũng cần phải ra một Nghị quyết của Quốc hội về cổ phần hoá, để từ đó đặt ra vấn đề dẫn dắt toàn diện đồng bộ cả về mặt tổ chức, giải pháp.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng số DNNN của chúng ta hiện nay có vốn lên đến hàng trăm tỷ đô la chứ không phải vài chục tỷ đô la. Do đó, để thực hiện cổ phần hoá những doanh nghiệp vốn Nhà nước lớn không nên chỉ căn cứ vào một Nghị định của Chính phủ mà phải nâng tầm ít nhất lên Nghị quyết Quốc hội, mà tốt nhất có một bộ luật về cổ phần hoá thì mới giải quyết việc này được thấu đáo, tránh tình trạng phải hậu xử lý như nhiều nước đã từng thực hiện. Bởi, cổ phần hoá của các  tập đoàn lớn như Điện lực, Hàng không, Dầu khí không hề đơn giản chút nào, Quốc hội phải ra Nghị quyết riêng cho những tập đoàn này.
Còn nữa, những vấn đề như cổ phần hoá thì Nhà nước thoái vốn bao nhiêu, giữ bao nhiêu ở những tập đoàn như tập đoàn Hàng không, Điện lực, Than khoáng sản, Dầu khí... thì bản thân Quốc hội phải quyết định. Các cơ quan Quốc hội phải đôn đốc vấn đề này và  các cơ quan phải tiến hành giám sát đặc biệt hoạt động đó là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài Chính  Ngân sách của Quốc hội, ông Vũ Mão phân tích. 
Cần một biện pháp tổng thể tránh đơn lẻ
Trong vấn đề này cần xác định vai trò của Đảng và Quốc hội như thế nào. Theo tôi, đề nghị Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề và trực tiếp giao cho Ban Kinh tế trung ương, phải coi đây như công việc trọng tâm của mình. Ngay Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng phải vào cuộc vấn đề này một cách quyết liệt. Bởi nguy cơ thất thoát tài sản là rất lớn. Bên Quốc hội cũng cần thiết vào cuộc, rồi công tác tuyên truyền phải rầm rộ. Hội đồng kinh tế trung ương, Học viện chính trị cũng phải đi sâu vào vấn đề này một cách bài bản. Quốc hội phải nghiên cứu sâu về vấn đề cổ phần hoá, chí ít phải có một Nghị quyết riêng. Còn nếu chúng ta ban hành luật rồi thì chủ trương cổ phần hoá từng tập đoàn lớn buộc Quốc hội ra Nghị quyết cho từng tập đoàn. Vì mỗi tập đoàn đó, họ quản lý, sở hữu hàng chục tỷ đô la.
                           
 Trinh Phúc

Tin nổi bật