Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đấu giá đất ở Thái Bình: Ngang nhiên giao dịch khi chưa được phép?

(DS&PL) -

Hàng trăm lô đất tại khu dân cư Duyên Phúc – Nhân Cầu 3, thị trấn Hưng Hà, Thái Bình đã được giao dịch rầm rộ khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Hàng trăm lô đất tại khu dân cư Duyên Phúc – Nhân Cầu 3, thị trấn Hưng Hà, Thái Bình đã được giao dịch rầm rộ khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Trả lời thắc mắc về vấn đề này, ông Trần Văn Biên - người trúng đấu giá lập tức thoái thác trách nhiệm: Ai bán chứ tôi có bán đâu???

Ngày 30/11/2020, tại thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất quy hoạch điểm dân cư tại khu Duyên Phúc – Nhân Cầu 3. Tổng diện tích đất đấu giá 12.389,2m2, được phân thành 125 lô đất để làm nhà ở. Ông Trần Văn Biên được xác định là người trúng tại phiên đấu giá này và tổng số tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 127.210.268.000 đồng.

Bản hợp đồng góp vốn ký ngày 03/12/2020 giữa ông Trần Văn Biên với người mua lô đất có nội dung ông Biên nhận cọc 1,2 tỷ đồng nói lên điều gì?

Theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 11/06/2019 của UBND tỉnh Thái Bình, sau khi có Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, UBND huyện Hưng Hà hoặc Chi cục Thuế khu vực Quỳnh Phụ - Hưng Hà gửi thông báo cho người trúng đấu giá về việc nộp tiền trúng đấu giá. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ nộp 100% số tiền trúng đấu giá vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi nhận được chứng từ nộp đủ tiền trúng đấu giá, trong thời hạn 07 ngày, Phòng TNMT huyện Hưng Hà trình UBND huyện Hưng Hà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá.

Trong 05 ngày làm việc kể từ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng liên quan của huyện Hưng Hà và thị trấn Hưng Hà tổ chức giao đất ngoài thực địa cho người trúng đấu giá. Sau khi việc giao đất hoàn thành thì người trúng đấu giá mới đủ thẩm quyền với tư cách là chủ sử hữu tài sản 125 lô đất để thực hiện giao dịch với khách hàng.

Quy định là vậy, tuy nhiên, ngay khi phiên đấu giá vừa kết thúc, từ ngày 02/12/2020, tại khu đất Duyên Phúc – Nhân Cầu 3 đã nhộn nhịp khách tham quan và giao dịch. Theo ghi nhận của PV, chỉ trong 4 ngày (từ ngày 02-05/12/2020), đã có hàng chục giao dịch được thực hiện thông qua hình thức phiếu thu đặt cọc mua đất.

Ngày 18/12/2020, PV có liên lạc đầu tiên với ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà về việc người trúng đấu giá đất chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước nhưng đã tổ chức giao dịch. 

Cũng trong khoảng thời gian này, tại khu đất đấu giá, nhóm PV được rất nhiều nhân viên vừa là tự nhận là “cò” đất, vừa được cho là nhà đầu tư góp vốn với ông Trần Văn Biên chào bán các lô đất với mức giá dao động từ 17 đến 19 triệu đồng/1m2.

Trước thắc mắc của PV là tại sao vừa có Quyết định công nhận trúng đấu giá, chưa có thông báo nộp thuế đất đã tổ chức bán đất, thì hầu hết câu trả lời nhận được là: “Ở đây bây giờ là vậy anh ạ! Người tham gia đấu giá chỉ cần lo tiền cọc thôi. Còn đấu giá xong, biết mình trúng rồi thì cứ đẩy ra sàn giao dịch để bán rồi thu tiền cọc về mới có tiền để nộp thuế chứ”!

Khi PV đề cập tới vấn đề trên, ông Trần Văn Biên - người trúng đấu giá từ chối liên quan về những giao dịch đất tại điểm dân cư Duyên Phúc – Nhân Cầu 3. “Đấy là ai bán đất, chứ tôi thì có bán chác gì đâu?” – ông Biên khẳng định.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV thu thập được, trong thời gian này, tại các bản hợp đồng góp vốn với nội dung mua lô đất tại điểm dân cư Duyên Phúc – Nhân Cầu 3 đều thể hiện người nhận tiền góp vốn là ông Trần Văn Biên. Thậm chí, điều khoản trong hợp đồng còn ghi rõ là đến ngày 17/12/2020, bên mua đất phải chuyển hết số tiền còn lại cho ông Biên.

Các giao dịch diễn ra công khai khi người trúng đấu giá chưa nộp tiền thuế 

Theo tìm hiểu, cũng tại Quyết định 06 nêu trên, trong thời hạn 30 ngày, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ 100% tiền thuế đất vào ngân sách Nhà nước thì kết quả trúng đấu giá sẽ bị hủy. Như vậy, với cách thức đấu giá đất rồi đem bán để lấy tiền nộp ngân sách không khác gì chiêu thức “cò gỗ” đi “mổ cò thật”.

Ngoài ra, theo một nguồn tin riêng mà PV thu thập được, ông Trần Văn Biên được công nhận là người trúng đấu giá 125 lô đất tại điểm dân cư Duyên Phúc – Nhân Cầu 3; nhưng số lô đất trên sau đó được chia chác cho các nhà đầu tư khác để giao dịch trước thời điểm hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Như vậy, nếu thông tin ông Biên “chia đất” đất cho các nhà đầu tư là chính xác, thì việc này có đúng với quy định? Bên cạnh đó, UBND huyện Hưng Hà có nắm được thông tin hàng trăm lô đất đấu giá được giao dịch rầm rộ, công khai trong khi chưa có thông báo nộp thuế đất? Nếu có, huyện đã có động thái xác minh, làm rõ?

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Nguyễn Khuê – Nguyễn Dương


Tin nổi bật