Ngày 10/5, Lianhe Zaobao đưa tin, bà Xu (50 tuổi, ở Singapore) đã đọc được vài quảng cáo trên Facebook về chương trình khuyến mãi sầu riêng. Theo đó, 1kg sầu riêng Musang King chỉ được bán với giá 6 SGD/kg (khoảng 105.000 đồng/kg).
Không cưỡng lại được sức hấp dẫn của chương trình khuyến mãi, bà Xu đã liên hệ với nơi bán để đặt mua sầu riêng cho gia đình vào ngày 4/5. “Bên kia cho biết công ty hiện đang chạy chương trình khuyến mãi, trong đó sầu riêng Musang King có giá 6 SGD/kg, còn sầu riêng D24 có giá 3 SGD/kg”, người phụ nữ 50 tuổi chia sẻ.
Sau khi xác nhận các thông tin như thời gian giao hàng, nơi bán xin số điện thoại của người phụ nữ và nói rằng sẽ có nhân viên chăm sóc khách hàng liên hệ với bà. Không lâu sau, một người đàn ông đã liên lạc và yêu cầu bà tải ứng dụng E2 Mall.
Tải ứng dụng xong, bà Xu lại được yêu cầu nhập thông tin cá nhân để đăng ký làm thành viên. Tuy nhiên, khi người phụ nữ cố gắng thanh toán trực tuyến, ứng dụng liên tục báo lỗi. Sau đó, nhân viên chăm sóc khách hàng yêu cầu bà Xu đến ngân hàng vào ngày 6/5 để lấy mã thực hiện giao dịch. Được biết, người phụ nữ đã nhập thông tin ngân hàng của mình vào ứng dụng của bên thứ ba.
Người phụ nữ nhanh chóng báo cảnh sát và ngân hàng sau khi phát hiện mình bị lừa tiền. Ảnh: Lianhe Zaobao
Chỉ đến khi cố gắng sử dụng PayNow để thanh toán bữa ăn vào ngày hôm sau, bà Xu mới nhận ra bản thân đã bị lừa. Cụ thể, bà đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình và phát hiện khoảng 50.000 SGD (hơn 880 triệu đồng) đã bị rút ra, chỉ còn lại đúng 7 SGD (khoảng 123.000 đồng).
Người phụ nữ kể: “Tôi phát hiện ngày 6/5, có 2 lần chuyển khoản trái phép từ tài khoản của tôi. Lần đầu chuyển 27.549 SGD (gần 485 triệu đồng), còn lần thứ hai chuyển 26.237 SGD (hơn 461 triệu đồng). Đây là tiền tiết kiệm cả đời của tôi”.
Quá hoảng sợ, bà Xu nhanh chóng trình báo sự việc với cảnh sát và thông báo cho phía ngân hàng. Sự việc hiện đang được cảnh sát điều tra làm rõ.
Trong diễn biến liên quan, hồi tháng 4/2023, cảnh sát đã cảnh báo người dân về sự gia tăng trở lại của các trò lừa đảo liên quan đến phần mềm độc hại được cài đặt trên điện thoại Android.
Kẻ lừa đảo thu hút “con mồi” bằng các quảng cáo về dịch vụ gia đình hoặc bán thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram… Sau khi liên hệ với kẻ lừa đảo, nạn nhân sẽ nhận được một đường link với yêu cầu tải ứng dụng trong đó xuống để đặt dịch vụ hoặc mua các mặt hàng thực phẩm và thanh toán.
Khi bấm vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng đến các trang web đăng nhập ngân hàng trực tuyến giả để nhập thông tin đăng nhập Internet banking và/hoặc thông tin thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của họ để thực hiện thanh toán trong ứng dụng.
Những ứng dụng như vậy thường chứa mã độc hại và sẽ chuyển thông tin đăng nhập ngân hàng, mã OTP trong tin nhắn SMS trên điện thoại nạn nhân đến kẻ lừa đảo. Tính từ tháng 3/2023, đã có 113 người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này với tổng số tiền bị chiếm đoạt ít nhất 445.000 SGD (khoảng 7,8 tỷ đồng).
“Người dân được khuyên không nên tải xuống bất cứ tệp Android Package Kit (APK) đáng ngờ nào trên thiết bị của mình vì chúng có thể chứa mã độc hại giả mạo”, cảnh sát thông tin.
Đinh Kim (Theo AsiaOne)