Hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 36 quốc gia, trong đó có nhiều nước như Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Canada, Pháp và Mỹ.
Tính đến ngày 15/6 (giờ địa phương), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã xác nhận 84 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 19 bang của quốc gia này.
Sau hơn 2 năm trải qua đại dịch COVID-19, thông tin về một loại virus mới lây lan trên toàn cầu có thể gây hoang mang nhưng các chuyên gia y tế cho rằng bệnh đậu mùa khỉ khó có thể tạo ra một kịch bản tương tự như virus corona, ngay cả khi ngày càng nhiều trường hợp được phát hiện.
“Khi việc giám sát được mở rộng, chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều trường hợp được xác nhận hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét vấn đề này vì đó không phải là COVID-19", Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19, cho biết trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 23/5.
Bệnh đậu mùa khỉ lây như thế nào?
Mọi người thường mắc đậu mùa khỉ khi tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm bệnh. Ellen Carlin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown, người nghiên cứu về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, có thể là do động vật cắn, cào, dịch cơ thể, phân hoặc do ăn thịt chưa được nấu chín.
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện trên khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958, đây cũng là nguyên nhân căn bệnh được đặt tên như vậy, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng loài gặm nhấm là vật mang bệnh đậu mùa khỉ chính trong tự nhiên.
Nó chủ yếu được phát hiện ở Trung và Tây Phi, đặc biệt là ở những khu vực gần rừng mưa nhiệt đới. Sóc đu dây, sóc sống trên cây, chuột túi Gambian và chuột ngủ đông đều được xác định là những động vật mang mầm bệnh tiềm năng.
Tiến sĩ Carlin nói: “Virus có thể đã lưu hành trong những con vật này trong một thời gian rất dài và phần lớn, nó đã ở trong các quần thể động vật".
Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC.
Trường hợp người đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó, virus đã gây ra các đợt bùng phát nhỏ, mặc dù hầu hết chỉ giới hạn ở vài trăm trường hợp ở 11 quốc gia châu Phi.
Một số ít trường hợp đã đến các lục địa khác, từ khách du lịch hoặc các động vật ngoại lai đã truyền virus cho vật nuôi trong nhà và sau đó cho chủ nhân của chúng.
Tuy nhiên, việc lây truyền virus đậu mùa khỉ từ người sang người là khá hiếm, Tiến sĩ Van Kerkhove nói: “Sự lây truyền thực sự xảy ra khi tiếp xúc vật lý gần gũi, tiếp xúc da với da. Vì vậy, nó hoàn toàn khác với COVID-19".
Theo WHO, virus cũng có thể lây lan khi chạm vào hoặc dùng chung các vật dụng bị nhiễm virus như quần áo và giường ngủ hoặc do các giọt bắn từ đường hô hấp tiết ra khi hắt hơi hoặc ho.
Nghiên cứu sau đó cho thấy virus corona có thể lây lan qua các hạt nhỏ hơn nhiều được gọi là "sol khí" với khả năng di chuyển khoảng cách lớn hơn 6 feet. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là điều tương tự cũng sẽ đúng với virus đậu mùa khỉ, Tiến sĩ Luis Sigal, một chuyên gia về bệnh đậu mùa tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia cho biết.
Virus corona là một loại virus RNA sợi đơn nhỏ, có thể đã hỗ trợ khả năng xâm nhập vào không khí. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ được cấu tạo từ DNA sợi kép, có nghĩa là bản thân virus này lớn hơn, nặng hơn và không thể di chuyển xa, Tiến sĩ Sigal nói.
Các con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ khác bao gồm từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Triệu chứng và mức độ nguy hiểm
Virus bệnh đậu mùa khỉ là một phần cùng họ virus với bệnh đậu mùa nhưng nó thường là một tình trạng nhẹ hơn nhiều, theo CDC Mỹ. Trung bình, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 6-13 ngày kể từ khi tiếp xúc, cũng có trường hợp kéo dài đến 3 tuần.
Bệnh nhân thường có triệu chứng sốt, nhức đầu, đau lưng, đau cơ, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức. Khoảng 1-3 ngày sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban, có thể bắt đầu trên mặt, bàn tay, bàn chân, bên trong miệng hoặc trên bộ phận sinh dục của bệnh nhân và tiến triển sang phần còn lại của cơ thể.
Angela Rasmussen, nhà virus học tại Tổ chức vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết sau khi mụn mủ của bệnh nhân đóng vảy, trong vòng 2-4 tuần, chúng sẽ không còn lây nhiễm nữa.
Trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch cơ bản có thể mắc tình trạng nghiêm trọng hơn nhưng bệnh đậu mù khỉ hiếm khi gây tử vong.
Phát ban và các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ được coi là những tín hiệu tích cực. Tiến sĩ Rasmussen cho biết: “Một trong những mối lo về COVID-19 là nó có thể lây lan không có triệu chứng hoặc có triệu chứng trước. Nhưng với bệnh đậu mùa khỉ, dường như không có trường hợp như vậy xảy ra".
Theo New York Times, hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đã tiến hóa hoặc trở nên dễ lây lan hơn. Tiến sĩ Sigal cho biết các loại virus DNA như bệnh đậu mùa khỉ thường rất ổn định và tiến hóa cực kỳ chậm so với virus RNA.
Các nhà khoa học đang giải trình tự các virus từ trường hợp bệnh nhân gần đây để kiểm tra các đột biến tiềm ẩn và sẽ sớm biết liệu khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng hoặc các đặc điểm khác có thay đổi hay không. "Nhưng kỳ vọng của tôi là họ sẽ không khác nhau", ông Signal nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia có một số giải thích cho sự gia tăng các trường hợp đậu mùa khỉ gần đây. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ con người nhiễm virus do tiếp xúc với động vật - còn được gọi là lan truyền từ động vật - đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây.
Sự gia tăng đô thị hóa và nạn phá rừng đồng nghĩa với việc con người và động vật hoang dã tiếp xúc thường xuyên hơn. Một số loài động vật mang virus truyền bệnh từ động vật sang người như dơi và động vật gặm nhấm, đã thực sự trở nên phổ bién hơn, trong khi những loài khác đã mở rộng hoặc thích nghi môi trường sống của chúng do sự phát triển đô thị và biến đổi khí hậu.
Bích Thảo (Theo New York Times)