Công ty cổ phần Tasco (Tasco, mã chứng khoán: HUT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ, lên mức 2.556 tỷ đồng. Các khoản chi phí trong kỳ cùng tăng vọt, trong đó chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 54% và 46%, lên mức 118,1 tỷ đồng và 95,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Tasco tăng tới 1.735%, lên mức 91,4 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, Tasco báo lãi sau thuế quý III/2023 đạt 12,1 tỷ đồng; tăng 28% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ giảm chi phí thuế TNDN. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 7,4 tỷ đồng, giảm hơn 25%.
Trong văn bản giải trình, Tasco cho biết doanh thu trong quý III/2023 của tập đoàn tăng mạnh sau khi hoàn thành hợp nhất Công ty TNHH SVC Holdings từ tháng 9/2023. Việc hợp nhất SVC Holdings cũng là lý do khiến các khoản chi phí của Tasco tăng vọt trong kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tasco báo lãi sau thuế 29,3 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tasco báo lãi sau thuế 29,3 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm đến 78,5% so với cùng kỳ 2022, xuống mức 24,1 tỷ đồng. Như vậy, Tasco mới thực hiện vỏn vẹn 4% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.
Thời gian qua, Tasco nổi lên trên thị trường với những thương M&A “khủng”, giúp doanh nghiệp này góp mặt trong danh sách các công ty có vốn hóa vượt 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán. Nên biết, trước khi sáp nhập với SVC Holdings, Tasco đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Công ty dự kiến sẽ rót thêm vào công ty này 612 tỷ đồng. Các thương vụ M&A này giúp doanh nghiệp của ông Vũ Đình Độ trở thành một tập đoàn đa ngành trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản – du lịch, kinh doanh ô tô.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2023, Tasco đang sở hữu 7 công ty con trực tiếp gồm Công ty TNHH MTV Tasco BOT (lĩnh vực hạ tầng giao thông); CTCP VETC (lĩnh vực dịch vụ); Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định (lĩnh vực xây lắp), Công ty TNHH Ana Services (lĩnh vực dịch vụ); Công ty TNHH Tasco Land (bất động sản); Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (bảo hiểm); Công ty TNHH SVC Holdings (dịch vụ thương mại).
Về SVC Holdings, doanh nghiệp này có vốn điều lệ gần 5.439 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản và bán lẻ, phân phối ô tô. Trong đó, SVC Holdings là nhà phân phối lớn nhất của Toyota, Ford và là nhà phân phối thương hiệu xe sang Volvo tại Việt Nam.
Đáng chú ý, công ty này đang nắm tới 53,68% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC) – đơn vị nắm 11,9% thị phần xe ô tô mới, phân phối 10 hãng ô tô phổ thông (chiếm hơn 22% thị phần phân phối xe Toyota, 33% thị phần phân phối xe Ford). Bên cạnh sở hữu các công ty phân phối ô tô Volvo, SVC Holdings còn sở hữu và đầu tư nhiều bất động sản trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng, dự án du lịch ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
XEM THÊM:Vinaseed “quay xe” giảm gần 9% kế họạch lợi nhuận năm
Với việc đẩy mạnh các thương vụ M&A, tính đến ngày 30/9/2023, quy mô tổng tài sản của Tasco ở mức hơn 25.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 13.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Cơ cấu tài sản cũng ghi nhận sự tăng vọt từ các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn, hàng tồn kho,...
Trong đó, hàng tồn kho của Tasco tăng gấp 30 lần, lên mức 2.948 tỷ đồng chủ yếu là giá trị xe ô tô và xe máy. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn cũng tăng gấp 3 lần, lên mức 2.548 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, cơ cấu tài sản dở dang dài hạn chủ yếu phát sinh tại các dự án bất động sản như Dự án Long Hoà - Cần Giờ (715 tỷ đồng), Dự án Mercure Sơn Trà - Đà Nẵng (496 tỷ đồng)…
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tasco ở mức 13.867 tỷ đồng; tăng 80% so với đầu năm. Nợ vay tài chính ở mức 8.300 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu ở mức 11.222 tỷ đồng.
Hiếu Nguyễn