Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, ngày 17/9, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết vừa cấp cứu kịp thời nữ bệnh nhân (25 tuổi, Lâm Đồng) bị dụng cụ ráy tai bằng kim loại đâm thủng màng nhĩ trái đi vào hòm nhĩ, gần chạm đến động mạch cảnh trong.
Trước đó, trong lúc đang nằm ngoáy tai tại nhà, chồng nữ bệnh nhân choàng tay sang thì vô tình thúc vào tay chị. Bệnh nhân chỉ rút ra được phần cán của cây lấy ráy, phần còn lại bằng kim loại đã đâm sâu vào trong tai trái.
Ngay sau tai nạn, cô được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, nhưng sau đó phải chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM do mức độ nghiêm trọng.
Bệnh nhân chỉ rút ra được phần cán của cây lấy ráy, phần còn lại bằng kim loại đã đâm sâu vào trong tai trái. Ảnh: Báo Người lao động.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện dị vật là cây lấy ráy tai dài gần 6cm nằm sâu trong ống tai trái. Đầu của nó đã chạm đến khu vực động mạch cảnh trong và nằm sát chuỗi xương con. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ ghi nhận màng nhĩ bị xuyên thủng, gây sưng huyết và phù nề.
Bệnh nhân sau đó được đưa vào phòng mổ để tiến hành lấy dị vật qua phương pháp nội soi. Sau phẫu thuật và điều trị, hiện thính lực tai trái bệnh nhân đã bình thường, tình trạng sau can thiệp đã ổn định, theo báo Người lao động.
BSCKI Ngô Hoàng, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khuyến cáo: Một số người có thói quen lấy ráy tai bằng các vật dụng khác nhau, điều này không cần thiết và có thể dẫn đến một số rủi ro về tai.
Không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc nhọn để lấy ráy tai, không nên đưa cây ngoáy tai, gồm cả bông tăm, sâu vào trong ống tai.
Nếu làm vệ sinh tai ngoài hoặc lấy ráy tai thì nên giữ cơ thể ở tư thế ít chuyển động, tránh xa người và vật để không bị va chạm dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
Trong trường hợp không may bị sự cố, chấn thương khi lấy ráy tai thì không nên tìm cách lấy dị vật ra ngoài vì có thể làm tăng thêm các tổn thương bên trong tai mà giữ nguyên hiện trạng đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, mỗi tháng, đơn vị này có một ca nhập viện do tai nạn lúc ngoáy tai. Ngoài những ca gặp tổn thương không ảnh hưởng đến thính giác, còn có trường hợp bị liệt mặt, tiền đình, thậm chí điếc vĩnh viễn.
Người dân thường có thói quen dùng tăm bông, cây lấy ráy để ngoáy tai hoặc ra hàng quán lấy ráy tai. Theo bác sĩ, đây là thói quen không tốt, không có tác dụng.
Do ráy tai không phải là bệnh lý, trong ống tai có một phần da, tế bào chết của da với chất nhờn của tuyến mồ hôi tạo ra ráy tai. Ráy tai có tác dụng bảo vệ hệ thống cơ quan phức tạp phía sau, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào. Do đó, khi loại bỏ hết ráy tai, lỗ tai của bệnh nhân có nguy cơ bị viêm nhiễm cao.
Tuy nhiên, đối với người có ráy tai ướt, sẽ có khả năng nhiễm trùng gây viêm ống tai ngoài nên cần lấy ra một cách hợp lý, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi lấy ráy tai, mọi người không nên sử dụng những dụng cụ sắt nhọn, dễ gây tổn thương cho màng nhĩ. Trong tai có động mạch cảnh, nếu không may chạm vào thì nguy cơ vỡ mạch máu rất cao. Khi bị vỡ mạch máu, không cấp cứu kịp thời hoặc điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, trong lúc ngoáy tai, mọi người không nên đưa vật lấy ráy vào sâu trong ống tai. Đặc biệt là không nên ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại, dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai.
Khi bị chấn thương do ngoáy tai, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt, tuyệt đối không tự rút dị vật ra khỏi tai, điều này có thể làm tổn thương nghiêm trọng hơn.