(ĐSPL) - Sáng nay (11/3), diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông).
Đúng 8h sáng, Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Anh Loát, Phó chánh án TAND tỉnh Đắk Nông tuyên bố khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông).
Đến 8h30 phút, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc, tiến hành hỏi nhân thân các bị cáo.
Mặc dù vắng mặt một số nhân chứng và luật sư bào chữa cho Lâm Hữu Hạnh, tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng việc đó không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, đồng thời bị cáo Hạnh cũng đề nghị xét xử bình thường.
|
Đang diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông |
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông, từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010, Cao Bạch Mai (SN 1949, Giám đốc công ty TNHH TM & DV Minh Nhật) và Trần Thị Xuân (SN 1964, Giám đốc công ty TNHH TM & DV Nhật Tân) đã sử dụng các hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan giả để vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông tổng số tiền 1.943 tỷ 500 triệu đồng. Các đối tượng đã hối lộ cho Vũ Việt Hùng (SN 1957 tại tỉnh Nam Định, thường trú phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông), 1 xe ô tô trị giá hơn 3 tỷ đồng, để hợp lý hóa các điều kiện vay vốn.
Khi các doanh nghiệp của Mai và Xuân mất khả năng trả nợ hơn 350 tỷ đồng, Vũ Việt Hùng đã ký khống các hợp đồng tiền gửi, ký cam kết và một số giấy tờ liên quan để giúp các đối tượng tiếp tục lừa đảo vay 580 tỷ đồng của Ngân hàng Nam Á – chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông – Sở giao dịch TP HCM.
Tiếp tay cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt vốn vay còn có các đối tượng: Trần Xuân Lộc, Nguyễn Thị Hồng Liên (cán bộ Ngân hàng phát triển); Lâm Hữu Hạnh, Võ Tiến Đạt, Tạ Thị Xuân Ý (cán bộ Ngân hàng Phương Đông); Trương Đình Hải (Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng Nam Á); Nguyễn Thị Vân (nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu - tỉnh Đắk Nông), Đặng Thị Ngân (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy Ngân - tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ xuất nhập khẩu Phát Long - TP. Hồ Chí Minh) và một số đối tượng môi giới vay vốn. Dự kiến vụ án sẽ được xét xử công khai vào ngày 11/3 tới, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Phan Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết: Các bị cáo đều khai là sau mỗi lần vay đều phải chi cho Hùng như vậy, nhưng trong quá trình điều tra thì không tìm ra được chứng cứ nào để chứng minh hành vi nhận hối lộ 130 tỷ của Vũ Việt Hùng. Ngược lại, các bị cáo cũng không có tài liệu nào khác để chứng minh rằng, trong quá trình thực hiện vay vốn tại Ngân hàng phát triển đã đưa cho Hùng số tiền này; mà chỉ tìm được tài liệu chứng cứ mỗi chiếc xe ô tô theo bị cáo trình bày là 3,2 tỷ, nhưng theo cơ quan định giá tài sản là 2,03 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền phần trăm hoa hồng trên các khoản vay vẫn chưa được cơ quan điều tra làm rõ, cho dù những giám đốc doanh nghiệp trong vụ án này đã khai nhận rõ ràng. Điều nghịch lý là trong khi hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông luôn khát vốn đầu tư, rất khó khăn tiếp cận ngân hàng, thì những doanh nghiệp lừa đảo này lại dễ dàng vay được hàng nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi. Thậm chí là cuối năm 2010, khi Công an Đắk Nông đã bắt đầu điều tra, thì Vũ Việt Hùng vẫn liều lĩnh bắt tay với các đối tượng để lừa đảo các ngân hàng khác.
Đây là đại án thứ 6 trong tổng số 10 đại án tham nhũng được Ban Nội chính Trung ương đặc biệt quan tâm. Trong các tội mà Viện kiểm sát truy tố về hành vi phạm tội của các bị cáo thì có một tội ở khung hình phạt cao nhất là tử hình. Dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm sẽ kéo dài trong 4 ngày.
Hiện phiên tòa vẫn đang tiếp tục diễn ra. Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của phiên xét xử.
M.H