“Người ta là ca sĩ hạng A, hạng B nên có ê-kíp đi theo để trang điểm, hỗ trợ mang giúp đồ. Tôi chỉ là ca sĩ hạng X Y Z, tôi không có quyền đòi hỏi, yêu cầu cao”, Lã Giang, cô gái hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc xót xa chia sẻ.
“Tôi chỉ dám nhận mình là thợ hát”
Lã Giang, 25 tuổi, tốt nghiệp đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội được 2 năm nhưng chưa tìm được công việc ổn định. Thời sinh viên, Giang là gia sư dạy múa hát, dạy tập thể dục theo nhạc cho trẻ. Tuy nhiên, khi ra trường, cô không theo nghề giáo viên bởi cảm thấy không phù hợp với tính cách.
Năm cuối đại học, như bao bạn bè, Giang chật vật, loay hoay liên hệ với các bầu show để được đi hát. Lần đầu đứng trên sân khấu, được biểu diễn trong vài phút ngắn ngủi là kỷ niệm xúc động khiến cô bồi hồi nhớ mãi. Cát xê lần đầu Giang nhận là 200.000 đồng, hát bốn bài cho một sự kiện của công ty.
Cô ca sĩ trẻ Lã Giang chia sẻ về những khó khăn, cám dỗ trong nghề. |
Các show mà Giang thường nhận là: Đi hát đám cưới, hát tiệc sinh nhật, hát cho các chương trình hoặc lễ kỷ niệm, hát quán bar…Ở các sự kiện lớn, cô được mời đi với tư cách là ca sĩ hát lót. Khi ca sĩ chính chưa tới vì một lý do nào đó, những ca sĩ “phụ” như cô sẽ hát và giao lưu với khán giả, lấp đi khoảng thời gian trống.
Cô ca sĩ Lã Giang chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Hụt hẫng nhất là khi phải rời sân khấu để nhường cho ca sĩ chính. Ánh đèn sân khấu vụt tắt, tôi lặng lẽ lùi vào sau cánh gà, biến mất như chưa từng tồn tại.
Nhiều bạn cùng khóa với tôi có ngoại hình xuất sắc, dáng chuẩn mặt xinh, duyên dáng nên họ làm thêm nhiều nghề: Người mẫu ảnh, diễn viên phụ, đại diện thương hiệu nhãn hàng… Nhưng bạn thấy đấy, tôi chẳng có ngoại hình nổi bật, gia đình làm nông nghiệp nên điều kiện khó khăn”.
“Hiện tại, buổi sáng tôi đi bán hàng cho một nhãn hiệu thời trang, chiều và tối tôi là ca sĩ trên một ứng dụng giải trí. Hôm nào nhận được show, tôi mới được đi hát. Chỉ mong các bầu show chú ý, quý mến, thường xuyên gọi mình đi chứ cuộc sống khi ra trường thiếu thốn trăm bề”.
Mới đi làm nên chưa có điều kiện kinh tế, trang phục biểu diễn phần lớn đều được cô đi thuê. (Ảnh: NVCC) |
Mỗi công việc có một đặc thù, tính chất riêng. Nhưng ở môi trường nào cũng tồn tại mặt tiêu cực, thách thức. Đối với nghề “má phấn môi đỏ” lại càng phải đối diện với nhiều cám dỗ. Nhung chọn cách làm nghề chân chính dù điều đó khiến cô chật vật với cơm, áo, gạo, tiền.
Cô ca sĩ trẻ bộc bạch: “Những người làm nghệ thuật thường có lòng tự trọng cao hơn so với người khác. Họ sợ người đời gọi “ca sĩ nghèo”, sợ bị khinh thường. Đi diễn, nhiều đàn ông buông lời “thương” tôi, muốn chu cấp để cuộc sống khá hơn nhưng tôi đều từ chối. Tôi ghét chuyện cặp kè, gạ gẫm. Hồi mới ra trường, lần đầu đi hát tiệc đứng, có khách quàng vai, kề má, tôi liền lạnh mặt, gạt phắt tay ra. Sau buổi hôm đó, tôi không bao giờ đi hát tiệc đứng và quán bar nữa. Sau này, gặp những trường hợp tương tự, tôi bình tĩnh xử lý khôn khéo hơn”.
Những cô ca sĩ trẻ mới vào nghề, chưa nổi tiếng, chưa có kinh nghiệm nên thường xuyên bị đối tượng xấu lợi dụng, quấy rối. (Ảnh: NVCC) |
Những cô gái làm nghề ca hát sống chân chính, có đam mê, có nghị lực vươn lên vẫn chật vật với cuộc sống mưu sinh và bị đe dọa bởi nhiều mối nguy hiểm, cám dỗ. Đâu đó, những vị khách kém văn hóa vẫn suy nghĩ “Má văn công, mông bộ đội” để tùy tiện trêu đùa, quấy rối.
Quỳnh Anh, 23 tuổi, hiện là ca sĩ phòng trà kể lại kỷ niệm hãi hùng: “Đợt dịch COVID-19, không có show nên tôi về quê một thời gian. Được hơn 2 tuần, bầu show gọi điện báo có sự kiện muốn mời ca sĩ tham gia. Khấp khởi vui mừng, tôi đi xe máy từ Hải Phòng ra Hà Nội. Tới nơi, bầu show đặt phòng để hôm sau đi diễn sớm. Tôi nghĩ không có vấn đề gì cho đến khi thấy anh ấy đặt một phòng duy nhất. Quá hốt hoảng, tôi từ chối tham gia và về quê ngay trong đêm. Vừa đi xe, tôi vừa bật khóc vì sợ hãi, tủi thân”.