(ĐSPL) - Liên tiếp trong 2 ngày qua, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã điều khiển hàng chục chiếc ô tô đến đỗ ngay tại phía Nam cầu Bến Thủy đòi giảm phí.
[mecloud]OjldPjJRNV[/mecloud]
Theo đó, vào khoảng 8h hôm nay (4/12), nhiều người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại tiếp tục căng băng rôn và đưa khoảng 50 ô tô kéo đến gần Trạm thu phí Bến Thủy 1 (nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh), đoạn thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, chặn ngang đường, không cho các phương tiện qua lại.
Người dân dừng đỗ xe trước cầu Bến Thủy đòi giảm phí. |
Sự việc xảy ra đã khiến QL 1A ách tắc cục bộ. Ngay sau đó, Công an huyện Nghi Xuân và các cơ quan chức năng đã tích cực vận động, tuyên truyền. Đến khoảng 10h cùng ngày, giao thông trên tuyến đã hoạt động trở lại bình thường.
Trước đó, bức xúc vì cho rằng vị trí thu phí không hợp lý và mức thu tại trạm này là quá cao, vào khoảng 8h ngày 3/12, hàng chục phương tiện ô tô và người dân cũng đã dừng đỗ, tụ tập ngay tại phía Nam đầu cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc không sử dụng đường tránh vẫn mất phí "oan".
Được biết, tháng 12/2005, dự án đường tránh TP Vinh (theo hình thức BOT) với chiều dài 25,8km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy (Km 467+056, QL1), có tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Đến tháng 9/2012, khi dự án cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh TP Vinh, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất cho phép xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2, mức thu được áp dụng theo quyết định của Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP Vinh.
Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về việc nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, ngày 5/9/2012, Bộ GTVT ban hành Quyết định 2118 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT với chiều dài 35km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng.
Liến tiếp trong 2 ngày, người dân dựng xe và treo biểu ngữ trên đường khiến giao thông quốc lộ 1A ách tắc. |
Đặc biệt, để tạo một hệ thống giao thông liên hoàn từ Bắc Hà Tĩnh đến Nam Nghệ An, CIENCO4 đã được Bộ GTVT cho phép đầu tư thêm ba hạng mục khác với kinh phí trên 600 tỷ đồng bổ sung vào dự án BOT tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh gồm: Cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam (435 tỷ đồng) để giải quyết ách tắc khu vực phía Tây TP Vinh và đảm bảo ATGT cho đường sắt Bắc - Nam; tiểu dự án cầu vượt QL8B với QL1 (156 tỷ đồng), dự án đầu tư sửa chữa cầu Bến Thủy cũ (17,6 tỷ đồng).
Để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP Hà Tĩnh và các hạng mục bổ sung, ngày 7/3/2014, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 2895 xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1.
Việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1 trong những ngày qua trở thành đề tài nóng trong dư luận. |
Thời gian vừa qua, việc cả 2 trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1 và 2 liên tục tăng phí khiến người dân sinh sống ở khu vực hai bên cầu phản ứng. Bởi họ cho rằng mình không sử dụng đường nhưng phải gánh phí một cách vô lý.
Điều 3 Khoản 17, 18 và 19 của Luật Đầu tư 2005 đưa ra định nghĩa hợp đồng BOT như sau: Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu từ chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Hợp đồng dự án có các nội dung chủ yếu sau: - Tên, địa chỉ, đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia ký kết hợp đồng dự án; - Mục tiêu, phạm vi hoạt động của dự án; phương thức, tiến độ thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án BT); - Nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện; - Công suất, công nghệ và trang thiết bị, yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, tiêu chuẩn chất lượng; - Các quy định về giám sát, kiểm tra chất lượng công trình; - Các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường; - Điều kiện về sử dụng đất, công trình kết cấu hạ tầng, công trình phụ trợ cần thiết cho xây dựng, vận hành; - Tiến độ xây dựng công trình, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp dự án và thời điểm chuyển giao công trình; - Quyền và nghĩa vụ của các bên và các cam kết bảo lãnh, phân chia rủi ro; - Những quy định về giá, phí và các khoản thu (bao gồm phương pháp xác định giá, phí, các điều kiện điều chỉnh mức giá, phí). - Các quy định về tư vấn, giám định thiết kế, thiết bị thi công, nghiệm thu, vận hành, bảo dưỡng công trình; - Điều kiện kỹ thuật, tình trạng hoạt động, chất lượng công tình khi chuyển giao, các nguyên tắc xác định giá trị công trình và trình tự chuyển giao công trình; - Trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ năng quản lý, kỹ thuật để vận hành công trình sau khi chuyển giao; - Các điều kiện và thể thức điều chỉnh hợp đồng dự án; - Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn; - Phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên ký kết hợp đồng dự án; - Xử lý các vi phạm hợp đồng; - Bất khả kháng và nguyên tắc xử lý; - Các quy định về hỗ trợ, cam kết của các cơ quan nhà nước; - Hiệu lực của hợp đồng dự án. Ngoài ra, hợp đồng dự án có thể quy định một số vấn đề khác như áp dụng pháp luật nước ngoài, mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án… Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |