TS.Dương Minh Tâm, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa điều trị cho nam cảnh sát 30 tuổi, nhập viện tâm thần sau khi cắt cổ tay tự sát vì thua lỗ 20 tỷ đồng chơi lan đột biến.
Theo vợ bệnh nhân kể lại, nam bệnh nhân vốn khoẻ mạnh, tốt nghiệp trung cấp công an, sau ra trường làm công an huyện từ đó đến nay. Anh chị kết hôn và có 1 con, gia đình hoà thuận, không có mẫu thuẫn xích mích gì đặc biệt, kinh tế gia đình trung bình.
Khoảng 3 tháng trước anh bị stress căng thẳng chuyện tiền bạc, do tham gia chơi lan đột biến bị thua lỗ mất 20 tỷ đồng.
Khoảng thời gian ấy chồng chị lo lắng, suy nghĩ nhiều về việc thua lỗ tiền, luôn trong trạng thái buồn chán, thất vọng, mệt mỏi, không có năng lượng làm việc, không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai, chỉ ở trong phòng một mình. Anh mất hết mọi hứng thú sở thích trước kia, không muốn làm việc gì, suy nghĩ bi quan, tiêu cực về việc mất tiền, về tương lai. Anh tự ti về bản thân cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình, nhiều lần suy nghĩ tiêu cực muốn chết để giải thoát.
Cách vào viện 4 ngày, nam cảnh sát uống thuốc diệt cỏ để tự sát, được người nhà phát hiện đưa vào trung tâm chống độc. Sau điều trị bệnh lý cơ thể ổn định chuyển Viện sức khỏe tâm thần điều trị tâm lý.
Tuy nhiên, sau 20 ngày điều trị, anh được người nhà phát hiện sử dụng dao nhọn để cắt tay, vết thương chảy máu. Sau đó bệnh nhân được nhân viên y tế sơ cứu chuyển chuyên khoa ngoại xử lý vết thương, rồi chuyển viện sức khỏe tâm thần điều trị tiếp.
TS.Dương Minh Tâm cho biết nam cảnh sát được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn thích ứng, với phản ứng trầm cảm kéo dài.
Đam mê lan đột biến khiến nam cảnh sát phải nhập viện tâm thần
Nguy cơ gây nên rối loạn thích ứng
Theo bác sĩ Tâm Rối loạn sự thích ứng (AD) được đặc trưng bởi một phản ứng cảm xúc với một sự kiện căng thẳng. Thông thường, yếu tố gây căng thẳng liên quan đến các vấn đề làm thay đổi điều kiện sống của người bệnh.
Stress được xem là nhân tố tác động trực tiếp của rối loạn sự thích ứng, nếu không có stress thì rối loạn này không xảy ra. Rối loạn sự thích ứng thường xuất hiện sau một hoặc nhiều yếu tố sang chấn, nhưng không nhất thiết phải xuất hiện ngay sau sang chấn.
Các yếu tố gây sang chấn trong rối loạn sự thích ứng là những biến cố thường gặp trong cuộc sống,…
Nhân cách dễ bị tổn thương gây ra các biểu hiện lo âu, trầm cảm, mất khả năng ứng phó, dự định tương lai phía trước.
Một số yếu tố nguy cơ; Trải qua căng thẳng đáng kể trong thời thơ ấu; Có vấn đề sức khỏe tâm thần khác; Có một số hoàn cảnh trong cuộc sống khó khăn xảy ra cùng một lúc; Thiếu hệ thống hỗ trợ; Hoàn cảnh sống khó khăn căng thẳng mạn tính; Lạm dụng hoặc tấn công thể chất hoặc tình dục; Lạm dụng khi còn nhỏ hoặc được bao bọc quá mức; Gia đình tan vỡ khi còn nhỏ; Ly hôn hoặc các vấn đề hôn nhân; Các vấn đề về mối quan hệ hoặc giữa các cá nhân; Thay đổi hoàn cảnh, chẳng hạn như nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học xa; Di chuyển thường xuyên trong cuộc sống sớm; Các tình huống bất lợi, chẳng hạn như mất việc làm, mất người thân hoặc gặp vấn đề về tài chính; Các vấn đề ở trường học hoặc tại nơi làm việc; Trải nghiệm nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như bị tấn công, chiến đấu hoặc thiên tai; Các yếu tố gây căng thẳng đang diễn ra, chẳng hạn như mắc bệnh hoặc sống trong khu phố có nhiều tội phạm.
Bác sĩ Tâm cho biết, bệnh lý của các rối loạn sự thích ứng thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tác nhân gây sang chấn và các triệu chứng chiếm ưu thế.
Cuộc sống của con người liên quan đến sự thích ứng liên tục với sự thay đổi và con người có nhiều hệ thống phản ứng với căng thẳng.
Đau khổ và rối loạn xảy ra khi nhu cầu thích ứng vượt quá khả năng duy trì trạng thái cân bằng tâm lý hoặc sinh lý của một người.
Sự thích ứng ở cấp độ sinh lý liên quan đến hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh monoamine, hormone và các chất điều hòa thần kinh khác phát huy tác dụng của chúng ở nhiều vùng não và các cơ quan khác nhau của cơ thể.
Tỉ lệ mắc bệnh ước tính là từ 2 đến 8% dân số nói chung phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này gấp đôi nam giới.
Ở thanh thiếu niên, nam và nữ được chẩn đoán mắc rối loạn này như nhau. Các rối loạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên.
TS Dương Minh Tâm
Cũng theo các bác sĩ, một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy, có tới 35% bệnh nhân ung thư vú mắc rối loạn sự thích ứng. Một phân tích tổng hợp quy mô lớn gần đây cũng chỉ ra, tỉ lệ rối loạn sự thích ứng gặp ở 15,4% người trưởng thành mắc bệnh ung thư tại các cơ sở chăm sóc giảm nhẹ.
Căn bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần này có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài như mất ngủ, cách ly xã hội, xung đột hôn nhân hoặc gia đình, suy giảm khả năng làm việc, nghiện rượu, sử dụng ma tuý, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, tự huỷ hoại, ý tưởng và hành vi tự sát.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi có các biểu hiện lâm sàng của bệnh như: triệu chứng trầm cảm (gồm: Giảm khả năng tập trung và suy nghĩ, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, có hành vi tự sát…); lo âu (hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở…); thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù…, người dân nên được đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Mộc Trà