Nhiều vợ, đại gia Lê Ân ở Vũng Tàu phân chia tài sản như thế nào để các con không xảy ra mâu thuẫn, xảy ra cảnh “huynh đệ tương tàn”?...
Ông Lê Ân được biết đến là một đại gia, trải qua nhiều đời vợ, nhưng gần đây ông tỏ ra rất bức xúc khi nghe chuyện em đâm chết anh vì tranh chấp đất đai ở Hà Tĩnh, hay vợ chồng em đâm chết vợ chồng anh ở Hòn Đất (Kiên Giang)...
Trò chuyện với PV, ông Lê Ân nói:
Tranh chấp tài sản xảy ra án mạng giữa anh chị em ruột với nhau khi cha mẹ không còn, tôi thấy cao gấp nhiều lần so với tranh chấp tài sản giữa những người không cùng huyết thống.
Về nguyên nhân: Dù là anh chị em ruột vẫn là con người, cho nên việc tranh chấp về ngôi vị, tài sản dẫn đến giết nhau như các vụ trên không có gì quá lạ với bậc làm cha, làm mẹ mà hầu như đất nước nào cũng có xảy ra, chỉ ít hay nhiều mà thôi.
Từ khi có loài người trên trái đất này và sách trước công nguyên ghi lại câu chuyện: một người cha bị mù hai mắt, tuổi già sức yếu, dự định giao quyền trưởng nam cho người anh định đoạt toàn bộ gia sản của cha mẹ để lại. Người em ruột lập mưu đưa anh vào rừng sát hại và ngụy trang mình giống như người anh để cha chúc phước rồi giao quyền trưởng nam. Từ đó, người đời cho rằng “trận giặc” đầu tiên của con người là anh em ruột chém giết lẫn nhau?
Như ông nói thì gần đây xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa anh em, nhưng họ không đóng cửa dạy nhau mà cứ đóng cửa “xử nhau”?
Tranh chấp tài sản giữa anh em trong một gia đình khi lên đến đỉnh điểm thì “tự xử”. Khi anh em giải quyết xong cơ quan pháp luật mới biết dẫn đến không can thiệp kịp thời. Ông bà dạy chuyện gia đình đóng cửa dạy nhau nhưng tôi thấy các vụ án vừa qua đã đi ngược lại, đó là “đóng cửa sát hại nhau”.
Tranh chấp tài sản giữa người này với người khác (không cùng huyết thống) thì thông thường nhờ cơ quan pháp luật giải quyết, ít khi tự xử như anh chị em ruột. Khi nhờ đến cơ quan pháp luật thì giải quyết mọi việc rất phân minh. Chỉ có một số ít không được thỏa mãn theo tham vọng mới nảy sinh thuê người giết hại đối thủ (trường hợp này thuộc tiểu nhân) nhưng vẫn bị pháp luật trừng trị.
Ông có nhiều vợ, vậy tài sản chia như thế nào, thưa ông?
Tôi tích góp được một số bất động sản có giá trị lớn. Tuy nhiên tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp với 3 bà vợ không có con với tôi thì các bà đã chiếm đoạt tiền, vàng rồi bỏ tôi lấy chồng khác hoặc chết... dẫn đến tài sản không có thừa kế.
Vừa qua tôi lập di chúc giao cho 7 kế thừa quản lý, kinh doanh các tài sản hình thành trong thời kỳ có vợ mà không có con, mặc nhiên không có thừa kế và tôi cho hết để làm từ thiện. Tài sản nào hình thành trong thời kỳ hôn nhân với vợ có con thì phần của tôi, tôi cho hết các con để tránh tình trạng anh em tranh chấp sát hại nhau khi tôi không còn.
Theo tôi, những bậc làm cha, làm mẹ được quyền thiêng liêng và quyền đó được pháp luật công nhận. Có tài sản nên chia đều cho các con khi mình còn minh mẫn, hoặc lập di chúc chia cho các con thì sẽ không xảy ra việc tranh chấp dẫn đến cốt nhục tương tàn.
Đó là điều tối kỵ trong một đất nước nghìn năm văn hiến như Việt Nam.