Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại án VNCB: Ngụy tạo hồ sơ vay ngàn tỷ vì bị thúc ép tăng vốn điều lệ

(DS&PL) -

Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh thừa nhận hành vi ngụy tạo hồ sơ vay hàng ngàn tỷ tại BIDV là sai trái, nhưng giải thích là do bối cảnh lúc đó, bị ngân hàng Nhà nước thúc ép

Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh thừa nhận hành vi ngụy tạo hồ sơ vay hàng ngàn tỷ tại BIDV là sai trái, nhưng giải thích là do bối cảnh lúc đó, bị ngân hàng Nhà nước thúc ép tăng vốn điều lệ.

Sáng 12/1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Phạm Công danh và 45 đồng phạm về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỷ đồng.

Tại phiên làm việc hôm nay, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến khoản vay 4.700 tỷ đồng của VNCB tại BIDV.

Bị cáo Danh tại tòa.

Cáo trạng xác định bị cáo Phạm Công danh và đồng phạm đã sử dụng 12 công ty, dựng hồ sơ giả mạo để vay BIDV 4.700 tỷ đồng. Bị cáo Danh thừa nhận hành vi này của mình là sai trái, đồng thời thừa nhận lời khai của các thuộc cấp của mình là Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai, Nguyễn Quốc Viễn về việc sử dụng các công ty “ma” lập hồ sơ vay vốn giả là đúng.

Tuy nhiên, bị cáo Danh xin bổ sung thêm rằng, lúc đó ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu tăng vồn điều lệ. Dù VNCB xin giãn việc tăng vốn điều lệ ra nhưng không được.

Bị cáo Danh nhận sai khi lấy tiền vay ngân hàng khác để tăng vốn điều lệ. “Tôi bị thúc ép làm chứ bản thân tôi không muốn. Đại diện ngân hàng Nhà nước yêu cầu bằng mọi giá phải tăng vốn thêm 4.500 tỷ đồng, tức là tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng”, bị cáo Danh trình bày.

Cũng theo bị cáo Danh, Danh và các thuộc cấp của mình phải duy trì một ngân hàng yếu kém nhất trong số 9 ngân hàng. “Tôi nói việc giữ được ngân hàng là tốt rồi, việc tăng vốn điều lệ là rất khó, tuy nhiên ngân hàng Nhà nước không cho giãn tăng vốn điều lệ mà phải tăng vồn điều lệ ngay, tăng một lần”, bị cáo Danh cho biết.

Bị cáo Danh trình bày rằng, VNCB có nhiều cuộc họp với NHNN, thành phần tham dự có đại diện ngân hàng Nhà nước, cụ thể là ông Khảo, lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Nhà nước. Tại các cuộc họp này, Danh đều xin giãn tăng vốn điều lệ nhưng không được.

HĐXX hỏi: “Có văn bản triển khai cuộc họp đến bị cáo và VNCB không?”. Bị cáo Danh trả lời không nhớ, có thể bị cáo Mai nhớ. Trước lời khai này, HĐXX gọi bị cáo Mai lên xét hỏi. Bị cáo Mai cho biết, có việc NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ.

Trong cuộc họp, ông Danh nhiều lần trình bày xin giãn việc tăng vốn điều lệ, nhưng NHNN yêu cầu phải tăng vốn theo phương án tái cơ cấu chứ không được giãn tăng vốn điều lệ.

HĐXX hỏi bị cáo Mai về việc sau cuộc họp có văn bản triển khai xuống VNCB?. Bị cáo Mai đáp: “Không có văn bản chính thức”.

“Vậy lấy cơ sở nào để nói bị NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ”?, chủ tọa phiên tòa truy. Bị cáo Mai trả lời về lý thì không có cơ sở, nhưng tinh thần là có sự thúc ép. “Anh Danh trình bày rõ là nếu tăng vốn điều lệ theo phương án cơ cấu thì ngân hàng gặp khó, bởi thời điểm đó VNCB đang lỗ từ 5–7 tỷ đồng/ngày. Anh Danh bị ép vào đường cùng, khi tăng vốn điều lệ cũng chết, mà không tăng thì VNCB không có lãi cũng chết”, bị cáo Mai cho biết.

Bị cáo Danh khi được gọi xét hỏi tiếp đã khẳng định, việc ngân hàng Đại Tín lỗ là do người cũ (nhóm lãnh đạo, cổ đông cũ – PV) gây ra chứ không phải do Danh gây ra.

Danh thừa nhận việc lấy 12 công ty do mình thành lập để làm hồ sơ vay 4.700 tỷ là sai, nhưng mong HĐXX xem bối cảnh. “Tôi tin chắc nếu không bị thúc ép thì chúng tôi đã không có hành vi sai trái này. Xin HĐXX xem xét bối cảnh, nếu không bị thúc ép thì chùng tôi không làm sai. Tôi mong HĐXX tạo điều kiện cho tôi làm rõ sự thật của vấn đề này”, bị cáo Danh khai tại tòa.

Công Thư

Tin nổi bật