Liên quan số tiền 4.500 tỷ đồng, HĐXX xác định số tiền này đã nộp vào ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) để tăng vốn điều lệ. Sau khi tiền vào ngân hàng, không có chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền này vào mục đích riêng nên ngân hàng CB phải chịu trách nhiệm.
Ngày 25/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX đang tuyên án. |
HĐXX không chấp nhận kháng cáo đối với các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét nguyên nhân hành vi phạm tội của các bị cáo xuất phát từ hành vi phạm tội của bà Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao ngân hàng Đại Tín), chưa xem xét tình trạng yếu kém của ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, VKS cho rằng tình trạng yếu kém của Ngân hàng Đại Tín là có thực, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngân hàng Xây Dựng âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng.
Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai cho rằng việc phân tách vụ án thành 2 giai đoạn gây bất lợi cho các bị cáo. Về ý kiến này, HĐXX cho rằng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tuy cùng gây thiệt hại cho VNCB. Tuy nhiên, giai đoạn 1 của vụ án xử lý hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay liên quan đến việc rút tiền của VNCB, còn giai đoạn 2 xử lý việc sử dụng tiền gửi trái pháp luật liên quan đến việc vay vốn từ 3 ngân hàng khác. Đây là 2 vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo này.
Bị cáo Phạm Công Danh đề nghị thu hồi thêm hàng loạt khoản tiền khác. Theo HĐXX, những khoản tiền bị cáo Danh yêu cầu thu hồi đã được xem xét trong giai đoạn 1 của vụ án, nên không có căn cứ xem xét.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa. |
Đối với nhóm các bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, HĐXX cho rằng các bị cáo này đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội nên phải liên đới chịu trách nhiệm.
Bản án sơ thẩm đã xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo. Hình phạt đối với các bị cáo đã là rất nhẹ so với hậu quả các bị cáo gây ra nên không có cơ sở để giảm nhẹ. Riêng bị cáo Trần Hiệp và Lê Đài đang bị bệnh nặng, vai trò hạn chế, gia đình có công cách mạng, từ đó giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo trên.
Bác kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM
Đối với các bị cáo bị Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng không cho hưởng án treo, theo Viện trưởng Viện KSND Cấp cao, trước đó 4 bị cáo đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được TAND TP.HCM áp dụng án treo là vi phạm Điều 56, Điều 65 BLHS và vi phạm khoản 3, Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao: "Không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo".
Theo HĐXX, các bị cáo này phạm tội có vai trò hạn chế, gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay các bị cáo là lao động chính. Cấp sơ thẩm cho các bị cáo được hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật. Từ đó, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM về tăng hình phạt.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Liên quan số tiền 4.500 tỷ đồng, HĐXX xác định số tiền này đã nộp vào ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) để tăng vốn điều lệ. Sau khi tiền vào ngân hàng, không có chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền này vào mục đích riêng nên Ngân hàng CB phải chịu trách nhiệm.
Từ đó, HĐXX xác định đây là tài sản của Phạm Công Danh nên cần thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án. Nhưng do HĐXX đã tuyên thu hồi 2.371 tỷ đồng được xem là vật chứng của vụ án từ CB, nên CB chỉ cần phải trả lại hơn 2.100 tỷ đồng cho Phạm Công Danh. Song do bị cáo Danh đang còn phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án ở cả 2 giai đoạn của vụ án nên cần giữ lại số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị cấp sơ thẩm thu hồi 1.600 tỷ đồng. Theo HĐXX, cấp sơ thẩm thu hồi số tiền trên là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó, tuyên buộc BIDV không phải trả lại cho CB số tiền 1.600 tỷ đồng.
Văn Thi
Theo Người Đưa Tin