(ĐSPL) - Theo ghi nhận, tại TP HCM hiện đã có 4 trường hợp dương tính với với virus viêm não Nhật Bản.
Ngày 3/7, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, chỉ trong 3 ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 3 ca viêm não Nhật Bản. Hầu hết, các bệnh nhân đều là trẻ dưới 10 tuổi. Trong đó, bé L.H.Q. (8 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) phải thở máy, hôn mê và trong tình trạng nguy kịch.
Còn ở BV Nhi Đồng 1, trong 10 bệnh nhi đang điều trị viêm não ở đây, đã xác định 1 bé bị viêm não Nhật Bản là: Hồ Nguyễn Th. Kh. (5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Hiện, bé cũng hôn mê nhiều ngày.
Các bệnh nhân đều được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng mắt mở tự nhiên nhưng đờ đẫn, không tiếp xúc được; liệt chân tay; sốt cao liên tục, có cơn co giật ngắn, sau đó hôn mê sâu dần, phải thở máy. Tiên lượng tương đối nặng, dù điều trị khỏi cũng có thể để lại di chứng, ảnh hưởng hệ thần kinh như: thay đổi tâm thần, hành vi, liệt chi…
Bé Q. đang nằm bất động trên giường bệnh, ở BV Nhi đồng 2. Ảnh: V.T |
Theo bác sĩ Dũng, khi bị vi-rút tấn công, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát với dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, nôn ói. Giai đoạn sau đó, virus tấn công lên não gây thay đổi tri giác như lơ mơ, co giật, hôn mê và để lại di chứng nặng nề.
Ngoài ra, người lớn không nên chủ quan nghĩ rằng, mình không thể bị viêm não Nhật Bản nhưng cũng không nên quá lo lắng. Về nguyên tắc, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus đều có thể bị mắc bệnh nhưng nguy cơ này ở trẻ dưới 15 tuổi cao hơn.
Vì thế, bất cứ trường hợp nào sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác cần đến bệnh viện ngay.
Trước đó, tại miền Bắc, bệnh viêm não Nhật Bản cũng đã xuất hiện trên nhiều trường hợp. Điều đáng nói, trong khi bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi thì tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) ghi nhận đã có 2 người lớn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Theo thống kê, tại các tỉnh phía Bắc, số ca mắc trung bình là 10/100.000 dân, tử vong khoảng 28\%, trong khi miền Nam chỉ rải rác vài ca quanh năm nhưng tỷ lệ tử vong cũng chiếm đến 16\%.
Cũng theo bác sĩ Dũng, trước tình hình bệnh viêm não do virus xuất hiện liên tục khi đang bắt đầu bước vào đỉnh dịch, trong đó có viêm não Nhật Bản, mới đây Bộ Y tế đã quyết cho tổ chức tiêm đại trà vắcxin viêm não Nhật Bản.
Riêng, tại TP HCM, dự kiến sẽ tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho tất cả 24 quận, huyện trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình này sẽ được thực hiện sau chiến dịch tiêm sởi và dự kiến thực hiện vào tháng Tám tới cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng khuyến cáo, nguồn lây của virus viêm não Nhật Bản là từ lợn, chim và véttơ truyền bệnh chủ yếu là muỗi.
Trong khi đó, hiện nay, TP HCM đang bước vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để phát sinh muỗi, nên nguy cơ xuất hiện bệnh càng lớn. Do vậy, cách phòng ngừa là ngủ mùng để không bị muỗi cắn và tiêm vắc xin phòng bệnh đúng liều và đúng thời gian quy định.