(ĐSPL) - Khoảng 22h tối ngày 25/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc thị sát, kiểm tra đột xuất tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Ảnh: Sức khoẻ đời sống
|
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 25/6, Bệnh viện có khoảng 135 ca viêm não, các loại. Điều đáng chú ý là trong số này tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B lại tăng cao với 36 ca, chiếm gần 30\%. Số tử vong tính đến nay là 2 ca, trong đó có 1 ca xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản B, 1 ca có liên quan.
Trong đó, Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca viêm não Nhật Bản với 11 bệnh nhân trong tổng số 36 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B. Tại Khoa Truyền nhiễm, có 6 ca nặng phải thở bằng máy.
TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương nhận định: “Dù bệnh viện chưa có phân tích cụ thể, chi tiết về tình trạng tiêm vắc xin với số ca mắc bệnh nhưng qua thăm dò sơ bộ tại buồng cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm chúng tôi ghi nhận có 4 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B thì có tới 3 bệnh nhi chưa được tiêm vắc xin, 1 bệnh nhân còn lại chưa rõ tiền sử tiêm chủng”.
Sau khi thị sát và nghe báo cáo của bệnh viện, trước tình hình bệnh viêm não Nhật Bản có nguy cơ tăng vọt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Cục Y tế dự phòng rà soát lại công tác tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản, thống kê tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản B trên cả nước. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương cần có kế hoạch phân luồng bệnh nhân tốt, không để tình trạng quá tải trầm trọng bệnh nhân dẫn tới tình trạng nhiễm bệnh chéo trong bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt.
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn, co giật, đờ đẫn, hôn mê...
Bộ Y tế khuyến cáo, ngoài biện pháp tiêm vắc xin để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.