Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cứu sống trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn nguy hiểm do sinh tại nhà

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa điều trị thành công, cứu sống một trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi bị uốn ván nặng do sinh tại nhà.

Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết, vừa qua, một trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi bị uốn ván nặng do sinh tại nhà, người nhà tự dùng kéo để cắt dây rốn cho bé đã được cứu sống tại bệnh viện sau gần 2 tháng "chiến đấu chống tử thần".

Theo đó, bệnh nhi X.D.P. là con thứ 4 của một gia đình ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Trẻ trai chào đời đủ tháng, đẻ tại nhà, người thân tự đỡ đẻ cho sản phụ.

Sau sinh, gia đình tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo thường. 6 ngày sau sinh, trẻ xuất hiện bú kém kèm ngủ li bì. Từ 3h sáng 13/7, trẻ quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người. Gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện huyện Kỳ Sơn, và nhanh chóng chuyển tuyến cấp cứu xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An .

Bệnh nhi X.D.P. là con thứ 4 của một gia đình ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: BVCC.

Qua thăm khám, khai thác bệnh sử từ gia đình đã tự sử dụng kéo, đi kèm trong quá trình mang thai, mẹ bé không tiêm phòng uốn ván, bệnh nhi được bác sĩ xác định bị uốn ván rốn và được cách ly điều trị riêng tại khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh trong môi trường phòng bệnh kín, tránh ánh sáng, tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Gần 2 tháng là cuộc chiến giằng co sinh tử của các y, bác sỹ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao, cần theo dõi, chăm sóc sát sao. Trẻ được điều trị tích cực bằng các phương pháp thở máy, trung hòa độc tố uốn ván bằng kháng huyết thanh SAT, kháng sinh, kiểm soát co giật và co cứng cơ bằng các loại thuốc an thần kết hợp.

Sau 40 ngày điều trị hồi sức tích cực, bé cai được máy thở. Dần dần, với sự chăm sóc từng phút giây của các y, bác sỹ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, bé D.P đã tự thở, tự bú được khá, hết tình trạng nhiễm trùng, hết co giật, còn gồng cứng nhẹ.

Ngày 31/8, trẻ đã được ra viện về nhà với gia đình. Bác sỹ đã hướng dẫn chi tiết mẹ bé cách chăm sóc, theo dõi và tái khám trong thời gian tới.

BSCKII Trương Lệ Thi, trưởng khoa Hồi sức sơ sinh cho biết, "Uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao do suy hô hấp cấp và nhiễm trùng.

Uốn ván rốn xảy ra với bé V.D.P. có thể do dụng cụ cắt rốn tại nhà không đảm bảo vô trùng, môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh không sạch sẽ. Hiện tại, số lượng bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván đã giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, khi trẻ đã mắc phải, thì tỷ lệ trẻ được cứu sống rất thấp vì mức độ nguy hiểm của bệnh.

Sự sống của bé D.P. thực sự là niềm vui lớn của các y, bác sỹ chúng tôi. Hoàn cảnh gia đình bé ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, nên Bệnh viện cũng đã chung tay hỗ trợ, tiếp sức cùng gia đình điều trị bệnh cho bé".

Như Quỳnh 

Tin nổi bật