Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cứu sống bệnh nhi hôn mê vì học cách treo cổ trên YouTube

(DS&PL) -

Đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận một ca bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch chỉ vì bắt chước chơi trò ảo thuật trên mạng xã hội YouTube.

Ngày 30/11, trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận một ca bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch chỉ vì bắt chước chơi trò ảo thuật trên mạng xã hội YouTube. Đáng nói, thời gian gần đây, thường xuyên có những ca bệnh phải cấp cứu do học theo trên mạng.

Nguy kịch vì bắt chước trên mạng

Đó là bé Đinh Thị K., 8 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM. Trước đó, dì của cháu K. phát hiện cháu mình bỗng dưng treo cổ bằng chiếc khăn quàng của học sinh trên dây phơi đồ của nhà. Đáng nói, lúc dì cháu phát hiện hai chân cháu đã cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê.

Bé K. được cấp cứu thành công tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Phát hiện vụ việc, bé K. được gia đình đưa đến phòng khám gần nhà, sau đó được sơ cứu, sau đó chuyển vào bệnh viện Pháp Việt, đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM để cấp cứu. Tại đây, bé K. được các bác sĩ đặt nội khí quản, sau đó chuyển tiếp đến cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cho cháu thở máy, xử trí cấp cứu. Một ngày sau, bé đã tỉnh lại, được rút nội khí quản, sức khỏe bắt đầu ổn định. Hiện, bệnh viện đang tiếp tục cho theo dõi, điều trị và chăm sóc theo phác đồ riêng cho bệnh nhi.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thị M., dì ruột bé K. cho biết: “Thời điểm phát hiện ra cháu mình trong tình trạng treo cổ, tôi rất bất ngờ. Tôi chạy thật nhanh đến bế cháu xuống, đưa cháu đến phòng khám gần nhà. Sau khi cháu được điều trị, tỉnh lại nói chuyện được, tôi mới yên tâm”.

Được biết, sau khi hồi phục, bé K. đã tiết lộ với chị M. rằng, do xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube nên bé đã thực hiện theo. Đặc biệt, có trò hướng dẫn cách thắt cổ, những nhân vật trên YouTube sau khi thắt cổ vẫn thở, vẫn sống được nên bé K. đã làm theo.

Đại diện gia đình bệnh nhi khẳng định, từ trước đến nay bé K. thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh. Và, nhất là bé thích xem những trò chơi trên kênh YouTube. Nội dung bé xem là gì gia đình không quan tâm, miễn là bé vui vẻ, ngồi ngoan để người nhà làm việc, nghỉ ngơi là được.

Trao đổi với PV, bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, thời gian gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi nhập viện vì bắt chước hành động của siêu nhân nhện, của nhân vật trên các kênh YouTube. Khi đến bệnh viện, các bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí, có bé đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Diễm Kiều cho biết thêm, hiện nay rất nhiều trẻ em mê xem nội dung trên các thiết bị điện tử. Do trẻ em chưa phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả khi xem các chương trình. Do vậy, các bậc cha mẹ nên kiểm soát các nội dung mà trẻ xem.

Phụ huynh cần quan tâm trẻ nhiều hơn

Chuyên gia tâm lý Hương Thảo (trung tâm tư vấn Linh Tâm) nhận định, hiện nay, nhiều phụ huynh do áp lực công việc bên ngoài, khi về nhà phải xử lý công việc, thêm vào đó lo việc nhà cửa, nội trợ nên ít dành thời gia cho con trẻ. Đáng nói, thời đại công nghệ số lên ngôi, nhiều phụ huynh cho con xem điện thoại, máy tính bảng, nhất là có nhiều kênh cho trẻ xem thú vị, khiến trẻ ngồi im, chú ý xem không quậy phá người lớn. Tuy nhiên, phụ huynh không hề biết rằng, sự “ngoan hiền” của trẻ khi tự do xem điện thoại chính là mối nguy hại đáng lo, đáng báo động nhất của trẻ. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, sự phụ thuộc vào điện thoại, máy tính bảng đã khiến cho trẻ giảm sút trí nhớ, kém sáng tạo hơn.

Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, trẻ dưới 8 tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt, thường có tâm lý thích bắt chước, học đòi. Đối với những chương trình trên mạng xã hội, như trò chơi bạo lực, cảm giác mạnh lại càng kích thích sự tò mò của trẻ, sự hiếu động nhất thời của trẻ, từ đó khiến trẻ dễ hành động theo, dẫn đến sự nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Còn theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết: “Các bậc phụ huynh cần quan tâm trẻ nhiều hơn, cần tương tác với trẻ nhiều hơn để hiểu trẻ hơn. Đặc biệt, cần cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng, ti vi ít hơn 2 giờ mỗi ngày. Vì theo thống kê, những trẻ thích xem chương trình bạo lực, sau này có khả năng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực nhiều hơn”.

Cũng theo bác sĩ Khuyên, phụ huynh nên linh động, tùy theo sở thích của trẻ và mục tiêu phát triển mà các bậc phụ huynh mong đợi ở trẻ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn, khuyến khích trẻ theo dõi những chương trình phù hợp với trẻ. Chẳng hạn, phụ huynh có thể cùng xem và cùng trẻ thảo luận những vấn đề được trình chiếu trong lúc theo dõi chương trình. Các bậc phụ huynh cần học những kỹ năng dạy con tích cực để hướng trẻ đến lối sống lành mạnh.

Không nên cho con xem những hành động bạo lực, nguy hiểm trên mạng xã hội

Bác sĩ Trần Minh Khuyên cảnh báo, hiện nay đa số phụ huynh cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng, nhất là cho xem những hành động bạo lực mạnh, trò chơi siêu nhân... là đang vô tình tiếp tay cho trẻ đến những hành động bạo lực, nguy hiểm đến tính cách trẻ sau này. Nên, để nuôi dạy trẻ tốt hơn, phụ huynh cần có thời gian quan tâm, đưa trẻ đi chơi, tham gia hoạt động thực tế ngoài trời bổ ích và lý thú khác như đi chơi công viên, đi chơi thể thao, câu cá, chơi khu vui chơi...

Nguyễn Lành

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 149

Tin nổi bật