Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cựu giảng viên Đại học Ngoại ngữ bỏ nghề giáo theo đuổi đam mê hội họa, tác giả bộ tranh "gây bão" mạng xã hội

(DS&PL) -

Từng dành một khoảng thời gian dài làm giảng viên tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng cuối cùng nữ họa sĩ Nguyễn Vũ Xuân Lan – tác giả bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine” đã từ bỏ công việc giảng dạy và quyết định theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình.

Thời gian gần đây, bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine” của nữ họa sĩ minh họa tự do Nguyễn Vũ Xuân Lan nhận được sự yêu thích và tương tác của đông đảo người xem trên mạng xã hội Facebook. Họa sĩ Xuân Lan sinh năm 1989, là cựu giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine” như một câu chuyện ngắn kể về hành trình đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của chính tác giả. Mỗi bức tranh đều là những nét vẽ đơn giản, gần gũi nhưng đã thể hiện được những cảm xúc vô cùng chân thực và gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

Bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vaccine" của họa sĩ trẻ Xuân Lan nhận được nhiều sự ủng hộ và yêu mến của người xem.

Sau khi nhận được sự ủng hộ và yêu mến nhiệt tình từ cộng đồng mạng, bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine” của họa sĩ Xuân Lan được UNICEF Viet Nam - Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc chia sẻ trên trang Fanpage.

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về nguồn cảm hứng và cảm xúc khi thực hiện bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine”, chị Xuân Lan chia sẻ: “Sau khi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 về, tôi thấy tâm trạng cũng khá vui vì mình đã được tiêm một cách suôn sẻ. Cảm xúc lúc đó của tôi rất vui vẻ và tích cực vì trước khi đi tiêm, tôi có chút e ngại, lo lắng. Vậy nên tôi muốn thực hiện những bức vẽ để chia sẻ lại trải nghiệm tích cực của bản thân, đồng thời cũng giúp mọi người hiểu được rõ hơn về quy trình tiêm vaccine”.

Trước đó vào tháng 6, Xuân Lan cũng nhận được sự ủng hộ khi đăng tải album tranh vẽ “Em bé cách ly” của mình và đã nhanh chóng “gây bão” mạng xã hội. Qua những nét vẽ đáng yêu của nữ họa sĩ, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm của cô nên được treo ở nơi như nhà trẻ, khu cách ly… để nâng cao tinh thần cũng như ý thức phòng chống dịch của mọi người.   

Xuân Lan vẽ bộ tranh với mong muốn chia sẻ lại trải nghiệm tích cực của bản thân, đồng thời cũng giúp mọi người hiểu được rõ hơn về quy trình tiêm vaccine. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nữ họa sĩ 8x chia sẻ trước đây cô từng làm giảng viên của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng sau đó đã quyết định từ bỏ và theo đuổi bộ môn nghệ thuật yêu thích: “Trước khi giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ, tôi cũng đã bắt đầu đi vẽ rồi nhưng vào thời điểm đó, tôi thực hiện hai công việc song song, vừa đi dạy vừa làm hội họa trong một thời gian dài. Đến khoảng mấy năm sau, tôi cảm thấy mình chỉ nên tập trung làm tốt một việc thôi vì làm một lúc 2 công việc đôi khi không được đến nơi đến chốn và không thể trọn vẹn, nên tôi quyết định chọn hội họa”.

Từ một công việc ở trường học khá đơn thuần, Xuân Lan lựa chọn chuyển sang làm tác giả của những đường nét, màu sắc, ánh sáng và bóng tối nhằm truyền tải các vấn đề trong cuộc sống đến người xem. Nói về năng khiếu hội họa và quá trình chuyển việc ngoạn mục của mình, nữ họa sĩ tâm sự: “Những tác phẩm của tôi được vẽ bằng những đường nét khá đơn giản nên hầu như đều do tôi tự học là chính, nhưng gần đây tôi cũng phải tham gia một số lớp, khóa học ngắn để nâng cao trình độ.

Ở thời điểm mới chuyển việc, bản thân tôi cũng không gặp nhiều vấn đề lắm vì trước đây tôi từng làm nhiều công việc một lúc và nó đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài nên bản thân tôi cũng đã quen với sự linh hoạt. Tôi trang bị sẵn và chi tiết mọi thứ kỹ càng trước khi bắt đầu chuyển hẳn sang hội họa chứ không phải  thay đổi một cách đột ngột, vậy nên tôi cũng không gặp nhiều khó khăn”.

Bài đăng của Fanpage UNICEF Việt Nam chia sẻ bộ tranh của nữ họa sĩ trẻ. Ảnh chụp màn hình.

Không lựa chọn những thứ quá trừu tượng hay chạy theo xu hướng thịnh hành, Xuân Lan lấy cảm hứng cho tác phẩm của mình từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày. Cô sở hữu một trang Blog cá nhân cá nhân trên mạng xã hội Facebook, ở đó có những album tranh vẽ hầu như với nội dung về đời sống của con người, từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản nhất nhưng khi được khắc họa qua nét vẽ của Xuân Lan, nó có sức mạnh truyền tải đến người xem một cách hiệu quả và chân thực. Có lẽ vì vậy mà những bộ tranh như “Em bé cách ly” hay “Nhật ký đi tiêm vaccine” của nữ họa sĩ lại nhận được đông đảo sự ủng hộ và yêu thích đến vậy.

Xuân Lan cho biết mình không quá tập trung hay yêu thích cụ thể chủ đề nào vì nghệ thuật là ngẫu hứng. Tuy nhiên, việc “bí” đề tài hay không có ý tưởng gì để vẽ không phải là khó khăn với cô. “Tôi luôn có sẵn một kho ý tưởng đã được ghi lại nên cứ để đó và dùng dần thôi”, Xuân Lan nói.

Khi theo đuổi môn nghệ thuật này, nữ họa sĩ 8x cho biết điều khó khăn nhất đối với bản thân cô là không để mình chững lại, cần phải rèn luyện, học hỏi liên tục để kịp thời nắm bắt các xu hướng mới trong thời đại hiện nay, bởi việc bị tụt hậu so với người khác là điều không thể. Với Xuân Lan, đây là điều khó nhất mà cô luôn phải tự mình rèn luyện tính kiên trì để nhanh chóng cập nhật xu thế.

Bên cạnh đó, cô cũng muốn nhắn nhủ tới những người trẻ muốn theo đuổi bộ môn vẽ giống như mình rằng nếu đã lựa chọn con đường hội họa, cần phải thật sự tập trung và chú tâm vì nó không hề dễ dàng. Để đạt được thành công, chắc chắn người học sẽ gặp vô vàn những khó khăn trên con đường chinh phục môn nghệ thuật này.

Xuân Lan chia sẻ trong những ngày dịch bệnh COVID-19 kéo dài và Hà Nội đang phải giãn cách, cô cũng dành phần lớn thời gian cho công việc. “Công việc của tôi không ảnh hưởng quá nhiều vì tôi làm việc ở nhà, chỉ có những sinh hoạt thường ngày có hơi khó khăn một chút vì không được ra ngoài mua sắm đồ đùng như mọi khi. Tôi vẫn phải làm việc như bình thường nên trong khoảng thời gian nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, tôi dành phần lớn thời gian để vẽ”, cô tâm sự.

Cô nói thêm cũng có những lúc công việc bị quá tải, áp lực và chiếm quá nhiều thời gian của bản thân, lúc đó cô phải tự tìm cách để cân bằng. Xuân Lan cho rằng ai đã đi làm rồi thì đều gặp phải vấn đề này, sẽ có những lúc bị cuốn quá vào công việc và phải dừng những dự án cá nhân lại. Nhờ đó, nữ họa sĩ cũng tự tích lũy cho mình những kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý khi có quá nhiều việc cần làm một lúc.

Bộ tranh “Nhật ký đi tiêm vaccine” của họa sĩ Xuân Lan:

Bích Thảo - Thủy Tiên

Ảnh: Page X.Lan

Tin nổi bật