Theo báo cáo, cựu Bộ trưởng Thương mại Vũ Huy Hoàng cùng một phạm vi có nhiều sai phạm gây ra thiệt hại nghiêm trọng lên tới 2.700 tỷ đồng.
Ngày 14/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Vũ Huy Hoàng trong vụ án sai phạm của dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, các bị can khác cũng bị khởi tố liên quan tới vụ việc trên bao gồm: ông Phan Chí Dũng (nguyên vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương), ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM), ông Đào Anh Kiệt (nguyên giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), ông Trương Văn Út (nguyên phó trưởng phòng quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM); ông Lê Văn Thanh (nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM) cùng 4 người khác.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Tuổi trẻ |
Được biết, bị can Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại. Ông Hoàng từng đảm nhiệm các cương vị công tác: thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ tịch Hà Tây (cũ), bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn…trước khi được bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Công thương từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2016.
Theo quy định của Chính phủ từ năm 2011-2012, các Bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm đã cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai từ đó dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại thất thoát số tiền đặc biệt lớn: hơn 2.700 tỷ đồng.
Cụ thể, mặc dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp giao cho Tổng Công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59 %) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, hội nghị... và không được thành lập pháp nhân mới. Nhưng ông vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định để đầu tư dự án.
Được biết, sau khi được giao đất, Sabeco dự kiến xây dựng dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng. Năm 2015, Sabeco cùng 3 công ty Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An góp vốn thành lập Sabeco Pearl để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn.
Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu “đất vàng” Hai Bà Trưng rơi vào tay một số cá nhân.
Trong vụ án này, bà Hồ Thị Kim Thoa là người đã trực tiếp ký vào các văn bản cho phép Sabeco thoái vốn. Ngoài ra, với tư cách là Bộ trưởng Công thương, ông Vũ Huy Hoàng đã đồng ý về mặt chủ trương và phải liên đới chịu trách nhiệm.
Minh Hạnh (T/h)