Cùng với sự lão hóa, những người cao tuổi thường có nguy cơ mất trí nhớ cao và dễ bị tách khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt, đó là ông Viswa Nathan, 81 tuổi.
Viswa Nathan không phải là ông cụ 81 tuổi điển hình như nhiều người vẫn nghĩ. Là cựu biên tập viên của tờ Tiêu chuẩn Hồng Kông (nay là The Standard) từ năm 1974 đến 1980 - hiện ông vẫn làm việc như một nhà báo và nhà tư vấn dịch vụ truyền thông.
Nathan (ở giữa) và vợ ông, Beboat, chụp ảnh cùng những người hàng xóm ở Masbate, Philippines. |
Nathan có một cuộc sống xã hội năng động và vẫn thích uống mấy chén với bạn bè và đồng nghiệp khi tụ tập.
Ông hoàn toàn sung sức, khỏe mạnh và không cần bất kì điều trị y tế nào như những người cùng tuổi khác. Ngoài việc viết và chỉnh sửa các bản thảo, Nathan còn tham gia vào việc phát triển một trang trại tại Masbate ở Philippines, nơi vợ ông sinh ra.
Nathan cưỡi ngựa tại Masbate, Philippines. |
Không giống như nhiều người ở cùng độ tuổi hay trẻ hơn, Nathan không hề lo lắng về việc mình bị già đi.
“Tôi chưa bao giờ có thái độ tiêu cực đối với sự lão hóa,” ông nói. “Tôi là một người lạc quan trong mọi việc. Cuộc sống thật quý giá và đầy những khả năng, tôi tin rằng chúng ta hãy nên tận hưởng từng giây từng phút.”
Cách chúng ta suy nghĩ và nói về sự lão hóa có tầm quan trọng rất lớn. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người suy nghĩ tích cực về quá trình lão hóa của mình sẽ hạnh phúc và có xu hướng sống lâu hơn những người sợ hãi tuổi già.
Một nghiên cứu mới đây của Yale Public Health còn phát hiện ra một lợi ích khác của việc suy nghĩ tích cực về lão hóa: nó làm giảm nguy cơ mất trí nhớ, một thuật ngữ rộng mô tả nhiều điều kiện liên quan đến sự suy giảm chức năng nhận thức.
Là một căn bệnh một khi đã mắc thì không thể chữa được, chứng mất trí có đặc trưng mà kí ức, kỹ năng vận động bị suy giảm khiến người mắc bệnh có sự thay đổi tiêu cực trong các hành vi thường ngày và gặp khó khăn khi tư duy, giải quyết vấn đề hoặc ngôn ngữ. Trong đó, Alzheimer là dạng bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2018 trên tạp chí PLoS One, đã khảo sát 4.765 người cao tuổi có hội chứng “mất trí nhớ”; có độ tuổi trung bình là 72 tuổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng niềm tin tích cực khi về già có tác dụng bảo vệ não. Những người tham gia có suy nghĩ tích cực về sự lão hóa có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ thấp hơn 43,6% so với những người tiêu cực, sau 4 năm thực nghiệm.
Suy nghĩ tích cực về tuổi già cũng giúp ích cho những người dễ mắc bệnh mất trí nhớ di truyền. Trong tổng số người tham gia, có 26% mang một biến thể của gen APOE-e4, khiến họ có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn. Nhưng những người suy nghĩ tích cực trong nhóm đó lại có nguy cơ phát triển bệnh thấp hơn 49,8% so với những người khác.
Tất nhiên, không ai có thể phủ định rằng chứng mất trí nhớ có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải cứ suy nghĩ tích cực là có thể tránh được căn bệnh này.
Sống một lối sống lành mạnh và tích cực có nghĩa là bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu, giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì, tập thể dục đều đặn và áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ dưỡng. Ngoài ra còn cần có một đời sống xã hội, được hòa mình với cộng đồng. Việc hạn chế tiếp xúc xã hội đã được chứng minh là có liên hệ với hội chứng suy giảm nhận thức.
Còn Nathan thì quy việc mình có cuộc sống chất lượng tốt như vậy là do sức khỏe thể chất và tinh thần cùng tư duy tích cực của ông.
Ông nói: "Việc già đi thực sự chỉ là một trạng thái của tâm trí. Tôi cho rằng sẽ chẳng ai có lợi gì khi cứ có những suy nghĩ ảm đạm về việc lão hóa. Tôi lạc quan, những người quanh tôi cũng có suy nghĩ tương tự.
Vợ tôi chẳng hạn, cô ấy có ảnh hưởng rất tích cực đến đời sống của tôi, và tôi thích được làm bạn với những người làm cho tôi cười, người mà tôi có thể chia sẻ những câu chuyện vui hay thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau. Tôi cũng tin rằng cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị, vui vẻ và hạnh phúc đang chờ đón mình. Đó là lý do tại sao tôi luôn tìm kiếm những thử thách và cách thức mới để tương tác với cộng đồng. Đó là một trong những cách nhìn nhận về cuộc sống của tôi."
Minh Minh (Theo SCMP)