Mặc dù công ty nhà Cường đô la đang gặp nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu QCG vẫn vượt qua cổ phiếu HAG của bầu Đức.
Cường đô la lấn át bầu Đức
Tuần này, thị trường chứng kiến những phiên điều chỉnh liên tiếp của VN-Index khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu. Thế nhưng cổ phiếu QCG nhà Cường đô la vẫn mạnh mẽ đi lên dù thiếu thông tin hỗ trợ. QCG có tốc độ tăng trưởng hơn hẳn HAG của bầu Đức.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, QCG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. QCG tăng 800 đồng/CP lên 13.500 đồng/CP. Tính chung cả tuần, QCG tăng 1.900 đồng/CP, tương ứng 16,5\%. Trong tuần, QCG không có bất cứ phiên giảm giá nào.
Đây là tuần giao dịch đầy khởi sắc của nhà Cường đô la khi mẹ con anh có thêm cả trăm tỷ đồng. Cụ thể, giá trị cổ phiếu QCG thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai, mẹ Cường đô la tăng 115,1 tỷ đồng lên 817,9 tỷ đồng.
Với hơn nửa triệu cổ phiếu nắm giữ, Cường đô la có thêm hơn 1 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của vị thiếu gia phố núi đang là 7,3 tỷ đồng. Tài sản của Nguyễn Ngọc Huyền My, em gái Cường đô la phình thêm 343 triệu đồng.
Giống như Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp phố núi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, tuần này, Hoàng Anh Gia Lai kém may mắn hơn Quốc Cường Gia Lai khi cổ phiếu HAG giảm khá mạnh.
Phiên tăng điểm duy nhất ngày 7/4 không giúp HAG chống lại được 3 phiên giảm giá còn lại. Kết thúc tuần, HAG giảm 600 đồng/CP xuống 28.200 đồng/CP. Dù giảm nhẹ nhưng HAG cũng khiến tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai hao hụt đáng kể.
Cụ thể, cổ phiếu HAG "rút" 187 tỷ đồng khỏi túi bầu Đức. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức "chỉ" còn 8.787 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
|
Cổ phiếu của Cường đô la tăng mạnh trong tuần. |
Đại gia ngân hàng mất mát
Trong tuần này, ngành ngân hàng được chú ý nhiều khi xuất hiện nhiều thông tin nóng về sáp nhập, cổ tức cũng như lương lãnh đạo. Thế nhưng, cổ phiếu ngân hàng không nóng được như tần suất thông tin về ngân hàng xuất hiện trên báo.
Cổ phiếu ngân hàng của nhiều đại gia Việt đi xuống. ACB giảm 200 đồng/CP xuống 16.900 đồng/CP. ACB khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB giảm nhẹ. Giá trị cổ phiếu ACB mà ông Huy nắm giữ hụt 5,8 tỷ đồng. Vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam đang có 486,2 tỷ đồng.
Hiện tại, cổ phiếu của bầu Kiên bị phong tỏa không giao dịch được nhưng theo thị giá ACB, khối tài sản này cũng bị ảnh hưởng. Giá trị hơn 73 triệu cổ phiếu ACB của bầu Kiên và vợ, bà Đặng Thị Ngọc Lan giảm 14,7 tỷ đồng.
STB cũng đi lùi khi giảm 300 đồng/CP xuống 19.400 đồng/CP. Sự sụt giảm này khiến hàng loạt đại gia Sacombank chịu thiệt hại không nhỏ. Ông Trầm Trọng Ngân, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phương Nam, cổ đông lớn nhất của Sacombank mất 16,4 tỷ đồng.
Ông Trầm Khải Hòa, em trai ông Trầm Trọng Ngân, người đang nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Sacombank mất mát ít hơn khi "chỉ" có 7,1 tỷ đồng "bốc hơi" khỏi tài khoản chứng khoán.
Sở hữu cổ phiếu STB ít hơn ông Trầm Trọng Ngân và ông Trầm Khải Hòa nên giá trị cổ phiếu sụt giảm của STB mà ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank nắm giữ chỉ hao hụt 4,8 tỷ đồng.
Nổi tiếng là một nữ tướng "thép" bà Nguyễn Thị Mai Thanh được biết đến như người điều hành chính tại công ty cổ phần cơ điện lạnh REE. Nhưng ít ai biết rằng bà Thanh cũng là cổ đông của Sacombank. Bà Thanh nắm giữ 90.522 triệu cổ phiếu STB. Tuần này, giá trị STB của bà Thanh giảm 27,2 triệu đồng.
Sóng gió đã khiến hàng chục triệu cổ phiếu STB bay khỏi gia đình họ Đặng. Đến nay, thiếu gia Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín chỉ còn giữ 7 triệu cổ phiếu STB. Số lượng "khiêm tốn" này cũng lấy đi của ông Hồng Anh 2,1 tỷ đồng.